Việc hướng tới một nền kinh tế xanh trên cơ sở bảo tồn và phát huy các “nguồn vốn biển tự nhiên”, đặc biệt là các nguồn tái tạo năng lượng gió, du lịch sinh thái… đang được xem là giải pháp căn cơ, lâu dài và bền vững đối với nhiều quốc gia có biển, trong đó có Việt Nam.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 36
Nhận rõ tầm quan trọng của kinh tế biển đối với nền kinh tế, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 36) đã đề ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, có sự phát triển bền vững, thịnh vượng, bảo đảm an ninh, an toàn nền kinh tế biển. Trong đó, xác định đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 – 70% GDP cả nước; các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường kiểm soát khai thác tài nguyên biển gắn với bảo đảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển…
Với lợi thế so sánh về vị trí địa lý, kinh tế, quốc phòng, các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, Chính phủ đã quyết định thành lập 19 khu kinh tế ven biển. Trong đó, ven biển miền Bắc ưu tiên xây dựng khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), phát triển theo hướng hội nhập kinh tế với khu vực Đông Bắc Á. Đối với miền Trung, xây dựng khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Vân Phong (Khánh Hòa) theo hướng hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây và Bắc – Nam. Ở miền Nam, tập trung xây dựng khu kinh tế Phú Quốc (Kiên Giang) phục vụ hội nhập kinh tế khu vực ASEAN.
Đảo Phú Quốc được ví như “Thiên đường của biển” ngày càng thu hút khách du lịch |
Hiện nay, các khu kinh tế ven biển đã thu hút 254 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 42 tỷ USD và 1.079 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 805 nghìn tỷ đồng. Đã có hơn 60 nghìn ha đất đã được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở sản xuất và đi vào vận hành kinh doanh. Cơ cấu kinh tế nhiều tỉnh, thành phố ven biển đã dịch chuyển mạnh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ (trọng tâm là dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng); đồng thời, hình thành các trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước như Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, Khí – điện – đạm Cà Mau… Cơ cấu lao động các tỉnh, thành phố ven biển cũng đã dịch chuyển từ nông nghiệp, ngư nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp.
Mặt khác, đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển, trong đó có đầu tư nước ngoài đã góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng cho các địa phương có biển, vùng kinh tế và tạo sự kết nối giao thông, hạ tầng trên phạm vi cả nước, mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển của khu vực. Việc kết hợp phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển kết hợp với xây dựng khu kinh tế – quốc phòng vùng biển, đảo cũng đã được chú trọng, góp phần tích cực vào việc củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Ngoài ra, các khu kinh tế ven biển cũng đóng vai trò như các trung tâm kinh tế của vùng, địa phương có biển, gắn liền với cảng biển, sân bay, tạo điều kiện tốt cho giao lưu kinh tế, thương mại, dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực. Sự hình thành các khu kinh tế ven biển đã góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hoá ở vùng ven biển và bước đầu hình thành “Chuỗi đô thị ven biển” với gần 600 đô thị, chiếm khoảng 8% số lượng đô thị cả nước với dân số khoảng 19 triệu người, thể hiện rõ nhất ở ven biển Trung và Nam Trung Bộ. Một số khu nghỉ dưỡng, khu giải trí, lưu trú hiện đại đã được xây dựng xung quanh các khu kinh tế ven biển, góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch, cũng như cung cấp chỗ ở thường xuyên cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp từ nhiều nơi trên thế giới đến sinh sống và làm việc lâu dài tại các khu kinh tế. Trong dài hạn, các khu này sẽ trở thành đô thị với cư dân có trình độ cao làm việc trong các khu kinh tế.
Phát triển bền vững kinh tế biển
Hiện nay, phát triển kinh tế biển được các quốc gia coi như một động lực tăng trưởng mới, bù đắp vào những thiếu hụt của kinh tế nội địa; đồng thời, cũng là giải pháp để gia tăng ảnh hưởng tại các vùng biển, hải đảo. Việc hướng tới một nền kinh tế xanh trên cơ sở bảo tồn và phát huy các “nguồn vốn biển tự nhiên”, đặc biệt là các nguồn tái tạo năng lượng gió, du lịch sinh thái… đang được xem là giải pháp căn cơ, lâu dài và bền vững đối với nhiều quốc gia có biển, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, chưa bao gồm các đảo chạy dọc từ Móng Cái ở phía Bắc tới Hà Tiên ở phía Tây Nam, dân số 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm gần 50% dân số của cả nước. Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam chiếm khoảng 47 – 48% GDP cả nước, trong đó kinh tế thuần biển đạt khoảng 20 – 22% GDP. Đến năm 2030, đóng góp GDP của các ngành kinh tế biển sẽ tăng lên 23,5 tỷ USD (tương đương 538.000 tỷ đồng) nếu áp dụng kịch bản “phát triển bền vững”. Đây là con số được đưa ra trong Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố.
Đường dẫn dầu tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) |
Các ngành kinh tế biển chính ở Việt Nam gồm năng lượng tái tạo biển, dầu khí, thủy hải sản, du lịch, vận tải biển, môi trường, đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái. Báo cáo trên cũng đưa ra các kịch bản trong phát triển kinh tế biển cho Việt Nam gồm 6 lĩnh vực kinh tế biển chủ chốt: ngư nghiệp, năng lượng tái tạo, dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, môi trường và hệ sinh thái.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá, điều quan trọng là đẩy nhanh quy hoạch không gian biển và các chính sách để khai thác tiềm năng to lớn của ngành kinh tế biển. Đặc biệt, đối với đánh bắt và nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo biển – nhất là điện gió ngoài khơi, cũng như các dịch vụ hệ sinh thái đa dạng sinh học và du lịch, thì điều cốt yếu là phải đảm bảo sự cân bằng tăng trưởng của các lĩnh vực này.
Báo cáo trên cũng đưa ra khuyến nghị giảm sản lượng đánh bắt thủy sản xuống mức bền vững (tối đa 2,7 triệu tấn mỗi năm); giảm áp lực tàu ven bờ; duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản và cải tiến quản lý để tăng năng suất an toàn 3,5% mỗi năm. Trong lĩnh vực dầu khí, cần thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các hoạt động sản xuất; tăng cường bảo vệ môi trường và lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo trên biển mới nổi; mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo biển đạt 10.000 MW lắp đặt vào năm 2030. Trong lĩnh vực du lịch, thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế đạt mức 8 – 10%/năm và khách nội địa 5 – 6%/năm đến năm 2030; đưa các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cả nước biển dâng vào quy hoạch du lịch. Đối với lĩnh vực vận tải hàng hải, tăng vận tải biển lên 20,6% hoặc thị phần vào năm 2030.
Kinh tế biển có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật và việc mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế quốc tế đã cho phép khai thác có hiệu quả lợi thế của các ngành kinh tế biển, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng trên biển… đóng góp ngày càng lớn trong GDP của cả nước. Do vậy, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế biển luôn là vấn đề được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Mới đây, phát biểu tại Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình khẳng định, sau 5 năm triển khai Nghị quyết 36, kinh tế biển đã có được những sự phát triển quan trọng, tạo ra được những động lực phát triển cho từng địa phương và cho cả nước.