Năm 2023 vừa qua chứng kiến sự “đổ bộ” vào Việt Nam của nhiều nghệ sĩ quốc tế và tạo ra những sự kiện âm nhạc thu hút lượng khán giả “khủng”, như tháng 3 có concert của nhóm nhạc Hàn Quốc Super Junior với hơn 15.000 khán giả tại sân vận động Quân Khu 7, TPHCM; tháng 6, có Seen Festival ở Hội An, Quảng Nam; tháng 10, có Westlife – boyband đưa The Wild Dreams Tour đến TPHCM; tháng 11 có Wow-K Music Festival, tháng 12 có Hozo ở TPHCM; rồi Charlie Puth, Maroon 5 cũng đến biểu diễn trong chuỗi đại nhạc hội 8Wonder ở Nha Trang và Phú Quốc; ngày 20/12, Katy Perry lần đầu hát ở Hà Nội trong lễ trao giải Vinfuture…
Nhìn lại sự bùng nổ concert tại Việt Nam và sự khởi sắc của điện ảnh nước nhà còn cho thấy, Việt Nam có tiềm năng lớn để các ngành công nghiệp giải trí khai thác mạnh hơn nhu cầu của khán giả, đồng thời thay đổi để đáp ứng thị hiếu âm nhạc, điện ảnh trong nước…
Đặc biệt, đêm nhạc của Black Pink diễn ra trong 2 đêm 29 và 30 tháng 7/2023. Trước đó, chưa có công ty tổ chức sự kiện nào đưa được các nghệ sĩ quốc tế thuộc hàng top thế giới, đang ở thời kỳ đỉnh cao về nước ta như vậy. Concert Born Pink nằm trong chuỗi lưu diễn vòng quanh thế giới của Black Pink đã thu hút hơn 67.000 khán giả và được đánh giá là thành công ngoài mong đợi, doanh thu của 2 đêm diễn ước đạt 335 tỷ đồng (khoảng 14,1 triệu USD), tương đương với các quốc gia khác tại châu Á. Theo số liệu từ Sở Du lịch Hà Nội, tổng thu từ du khách trong 2 đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Black Pink đạt khoảng 630 tỷ đồng. Sự kiện Born Pink chính là những “cú nổ” văn hóa, là minh chứng hùng hồn văn hóa không chỉ dừng lại ở giải trí mà chính là động lực phát triển của nền kinh tế. Nghĩa là ngành văn hóa đang làm ra tiền.
Không chỉ các concert quốc tế mới tạo ra sức bùng nổ lượng khán giả, bước vào đầu năm 2024, chúng ta chứng kiến Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện chương trình “Hoa xuân ca” với một không gian nghệ thuật giàu cảm xúc, một “bữa tiệc” của thanh âm và ánh sáng. Làm nên màu sắc của một đại nhạc hội đó vì có sự chăm chút, đầu tư kỹ lưỡng về phần âm nhạc, kỹ thuật dàn dựng tân tiến. Chương trình đã thu về lượng tiền quảng cáo lớn, và nếu tổ chức như một concert ngoài trời chắc lượng khán giả cũng không kém các concert của nghệ sĩ quốc tế.
Sự bùng nổ của ngành điện ảnh nước nhà thông qua một số phim ra rạp. Đơn cử như phim “Mai” của Trấn Thành gây sốt phòng vé và đã đạt mức doanh thu cao nhất từ trước tới nay, khi cán mốc hơn 500 tỷ đồng…
Phát triển văn hóa, dịch vụ văn hóa là phương thức để chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trên thị trường, tạo ra các nguồn lực kinh tế để tái đầu tư; làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn vào công chúng, thực sự trở thành một trụ cột năng động trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường.
Trước đây nhiều người vẫn coi văn hóa là một chuyên môn tách biệt, văn hóa là thứ linh thiêng, cần phải được tôn thờ chứ không phải thứ làm thương mại. Nhưng từ sự bùng nổ concert của các nghệ sĩ quốc tế diễn ra tại Việt Nam và hiện tượng điện ảnh vừa qua giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể, sinh động và sâu sắc hơn về bài toán kinh tế từ ngành công nghiệp văn hóa, nhìn thấy văn hóa chính là động lực phát triển của nền kinh tế. Và một nghệ sĩ tài năng là thần tượng của một bộ phận lớn công chúng cũng có thể tạo ra “mô hình văn hóa kinh tế”. Ví như Taylor Swift – “công chúa nhạc đồng quê” của Mỹ, được xướng tên vào danh sách Nhân vật năm của tạp chí Time năm 2023.
Swift nổi bật với Eras Tour – chuyến lưu diễn lớn nhất trong lịch sử, lần đầu tiên vượt mốc 1 tỉ USD doanh thu. Người ta đang bàn về cô như một hiện tượng kinh tế toàn cầu, và là người “cứu rỗi” cho tình hình kinh tế Mỹ khi có thể thúc đẩy gần 4,6 tỷ USD cho kinh tế nước này. Theo thị trưởng thành phố Melbourne Sally Capp, chỉ riêng buổi diễn ở Eras Tours của Taylor Swift giúp nền kinh tế Australia tăng thêm 790 triệu USD (khoảng 19,4 nghìn tỷ đồng). Đêm đầu tiên concert Eras Tour của Taylor Swift ở Singapore diễn ra vào tối 2/3 vừa qua đã thu hút với hơn 50.000 khán giả. Trong đó có một số nghệ sĩ Việt, những fan Việt hâm mộ thần tượng đã bỏ khoản chi phí lớn để được “cháy hết mình” cùng concert này. Cái tên Swift giờ trở thành Swiftonomics – nền kinh tế Taylor Swift.
Nhìn lại sự bùng nổ concert tại Việt Nam và sự khởi sắc của điện ảnh nước nhà còn cho thấy, Việt Nam có tiềm năng lớn để các ngành công nghiệp giải trí khai thác mạnh hơn nhu cầu của khán giả, đồng thời thay đổi để đáp ứng thị hiếu âm nhạc, điện ảnh trong nước; cho thấy rõ hơn năng lực sáng tạo cũng như công nghệ tổ chức sản xuất của một số ngành công nghiệp văn hóa như ca nhạc, điện ảnh đã từng bước được chuẩn hóa, nâng tầm, sức mạnh tiềm ẩn trong đội ngũ những người làm văn hóa, sức mạnh văn hóa tiềm ẩn trong mỗi con người đang giúp cho nền văn hóa Việt Nam có những chuyển động tích cực và đáng nhớ.
Đó cũng còn là cơ sở vững chắc cho những bước tiến tiếp theo của những lĩnh vực đang khẳng định vị thế là “mũi nhọn” trên chặng đường thúc đẩy sự phát triển nền công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.
Tuy nhiên cùng với bản lĩnh của mỗi người nghệ sĩ, thì sự hỗ trợ từ bệ đỡ chính sách là yếu tố hết sức quan trọng để nuôi dưỡng và phát triển nhân tài, nhất là đối với lĩnh vực ca nhạc, điện ảnh.
Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ với tỷ lệ dân số dưới 15 tuổi chiếm 25,2%, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 70,7%, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi chiếm 4,1%. Cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam mang lại nhiều lợi ích kinh tế và văn hóa. Dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng cao, tạo ra thị trường tiêu thụ lớn cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Đó là cơ hội tốt, nếu ngành văn hóa mà bỏ lỡ thì thật đáng tiếc. Mặc dù còn phải tiếp tục hoàn thiện, nhưng bước đầu Nhà nước đã có cơ chế khuyến kích phát triển tài năng văn hóa, vấn đề còn lại phụ thuộc vào những nỗ lực sáng tạo bền bỉ và tâm huyết của nghệ sĩ và đội ngũ hỗ trợ trong quy trình sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa.
Tin rằng với những cú “bùng nổ” concert, điện ảnh vừa qua chúng ta sẽ rút ra được nhiều bài học bổ ích, những chiêu mời gọi nghệ sĩ lớn của thế giới vào Việt Nam và trở thành cú hích cho công nghiệp văn hóa nước nhà, để có thêm nhiều “Mai”, “Đào, phở và piano”, chứ không phải là “sự ăn may”.
Để văn hóa nước nhà không phải là lĩnh vực thuần túy tinh thần, phi sản xuất, phi lợi nhuận, không phải là lĩnh vực chỉ “biết tiêu tiền” mà là lĩnh vực trực tiếp mang lại các lợi ích kinh tế, nhiều giá trị gia tăng nhờ đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa gắn với sản xuất và du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.