Như Tuổi Trẻ Online thông tin, sáng 25-4, học sinh Trường THPT Marie Curie, quận 3, TP.HCM phản ánh đề văn kiểm tra cuối học kỳ II của khối 10 quá dài và quá khó.
“Chúng em đọc đề thôi đã mất 30 phút. Trong đó văn bản phần đọc – hiểu dài 2 trang giấy A4, trích từ tác phẩm Mùa hoa cải bên sông của tác giả Nguyễn Quang Thiều.
Để trả lời được những câu hỏi của phần đọc – hiểu, phải đọc đi đọc lại văn bản nhiều lần, rất mất thời gian và không còn thời gian cho phần viết văn”, một số học sinh than thở.
Nhìn đề văn mà ngợp
Nhiều bạn đọc cũng có cảm xúc như vậy khi đọc đề văn trên.
Độc giả Lan Vo viết: “Quá ngợp khi nhìn đề, thương các con đã trải qua một buổi thi toát mồ hôi thiệt sự”. “Nhìn đề văn mà tôi thấy khớp”, bạn đọc Trần Văn Tám chia sẻ.
“Tôi thử đọc xem sao, mà chưa kịp hiểu đã buồn ngủ quá rồi. Đúng là một đề văn buộc các em 16 tuổi phải đấu tranh tư tưởng đọc hết hoặc trả lời đại đi ngủ”, độc giả Jan bày tỏ.
Bạn đọc Hoa “cũng thấy quá dài, có đọc lướt thì cũng phải hiểu mới trả lời đúng để có điểm chứ!”. Bạn đọc Trần Quang Dinh lo lắng: “Đề quá dài, sao học sinh có đủ thời gian để đọc và cảm thụ mà làm bài cho kịp giờ?”.
“Thời gian qua có rất nhiều đề thi văn độc, lạ và cả đánh đố học sinh với những nội dung trừu tượng, cao xa, đặc biệt đu trend mạng xã hội. Không biết các dạng đề này có đạt mục đích đánh giá học sinh hay là để các trường, các tổ văn… khoe trình độ và quảng bá cho trường nổi tiếng? Cần phải xem lại hiện tượng này”, bạn đọc Khai Phong có ý kiến thêm.
Quen lướt TikTok nên đề dài văn là than thở?
Tuy nhiên, khá đông bạn đọc có ý kiến ngược lại về đề văn này.
“Cho rằng văn bản dài, bị ngợp là do học sinh chỉ quen làm văn bản ngắn. Còn thực tế mức độ dài của văn bản trong đề này không quá sức đọc của học sinh và khung thời gian làm bài. Văn bản này đọc chậm cũng chỉ mất tối đa 15 phút chứ không đến nỗi 30 phút. Học sinh lớp 10 rồi mà đọc quá chậm thì cần xem lại kỹ năng đọc của mình”, độc giả Phạm Tuyết nói.
Bạn đọc Minh Duy nhận xét: “Đề văn tuy dài nhưng câu hỏi rõ ràng, không khó, học sinh đọc lướt vẫn có thể trả lời cho từng ý, đâu cần phải đọc kỹ”.
“Ngữ liệu tuy có dài nhưng với yêu cầu của thể loại, nếu lược bớt có thể gây khó hiểu cho người đọc”, bạn đọc Thảo nói thêm.
Trong khi đó, tài khoản hung****@gmail.com có ý kiến: “Đề nhiêu đây mà đọc hết 30 phút thì cần xem lại khả năng đọc của học sinh. Thi IELTS đề dài gấp mấy lần không biết có bạn nào lên tiếng không? Hay mai mốt ra đề thi ngắn thôi, kiểu status trên Facebook, TikTok cho gen Z dễ đọc và cảm nhận?”.
Cùng góc nhìn, bạn đọc Hy bình luận: “Học sinh giờ chỉ xem TikTok và tiếp cận thông tin ngắn mà không đọc sách thì thấy đề dài rồi than thở. Chứ đọc hai trang A4 quá đơn giản mà. Câu hỏi của đề cũng không có gì đánh đố”.
Theo tài khoản Thầy giáo dạy văn: “Đề thi này không khó, vì học sinh đã được rèn kỹ năng và được ôn tập dạng đề như này. Đề có tính phân hóa cao; phù hợp với khung đánh giá năng lực chung; phù hợp là một đề thi chính thức của một kỳ thi cấp trường.
Có điều ngữ liệu đọc – hiểu hơi dài. Đối với học sinh yếu kỹ năng thì sẽ rất mất thời gian đọc. Vì thế, nên chọn ngữ liệu đọc – hiểu ngắn hơn để học sinh đỡ hoang mang và cũng đỡ rối cho những học sinh chưa vững kỹ năng đọc – hiểu”.
Ý kiến của bạn về đề văn trên như thế nào? Hãy để lại chia sẻ của bạn ở BÌNH LUẬN dưới bài viết này nhé. Trân trọng cảm ơn.