Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh Đỗ Ngọc Hà khẳng định khi trao đổi về kinh nghiệm để có những tác phẩm báo chí xuất sắc đoạt giải Báo chí Quốc gia.
Hành trình lựa chọn “hạt giống”
Nhà báo Đỗ Ngọc Hà khẳng định rằng, Giải Báo chí Quốc gia vài năm trở lại đây ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của báo chí địa phương. Đội ngũ người làm báo tỉnh Quảng Ninh những năm qua đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
“Những năm qua, các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã phát huy những thế mạnh của báo chí địa phương để sáng tạo tác phẩm báo chí tham gia các cuộc thi, liên hoan, giải báo chí. Trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh vừa qua, Hội Nhà báo tỉnh đã rà soát và thống kê các tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia. Và thật vinh dự, tự hào khi hội viên nhà báo ở Quảng Ninh đã có một lần đoạt giải A Giải Báo chí toàn quốc – năm 1992; 5 lần đạt Giải A Giải Báo chí Quốc gia (năm 2009, năm 2011, năm 2014, năm 2016, năm 2022). Cùng với đó là nhiều tác phẩm đạt giải B, giải C, giải khuyến khích và tác phẩm lọt vào vòng chung khảo của Giải Báo chí Quốc gia, Giải Búa liềm vàng, các liên hoan phát thanh, truyền hình toàn quốc…” – nhà báo Đỗ Ngọc Hà chia sẻ.
Nói về kinh nghiệm triển khai từ góc độ địa phương, ông Ngọc Hà cho biết, bắt đầu từ năm 1994, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định đứng tên tổ chức Giải Báo chí tỉnh Quảng Ninh. UBND tỉnh giao Hội Nhà báo tỉnh chúng tôi là cơ quan thường trực giúp lãnh đạo tỉnh tổ chức Giải Báo chí tỉnh Quảng Ninh hằng năm. Qua 4 lần thay đổi Quy chế giải, từ năm 2015 đến nay, Giải có cơ cấu thể loại giải tương đối hợp lý, bám sát thực tiễn đời sống báo chí, góp phần cổ vũ và động viên đội ngũ những người làm báo ở tỉnh và là “sân chơi”, thước đo đánh giá nghiệp vụ đối với những người làm báo chuyên và không chuyên trên địa bàn… Hiện nay, Hội Nhà báo tỉnh đang đề nghị UBND tỉnh sửa đổi Quy chế giải, theo hướng nâng cao giá trị tiền thưởng cho các giải; gộp thể loại ảnh đơn và phóng sự ảnh, chùm ảnh lại thành một thể loại là ảnh báo chí (giống như Giải Báo chí Quốc gia hiện nay).
Với những nỗ lực rất lớn từ khâu tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực HNB tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Thực tế những năm gần đây, tác giả gửi tác phẩm tham dự Giải không những được tăng thêm về số lượng mà chất lượng cũng không ngừng được nâng lên theo từng năm. Trong 4 năm (2019 – 2022), Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì xét giải, tham mưu cho tỉnh ban hành các quyết định công nhận và thưởng tiền cho 307 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đạt giải từ khuyến khích đến giải nhất. Trong công tác tổ chức giải đã khắc phục được tình trạng chủ yếu chỉ có phóng viên các cơ quan báo chí của tỉnh tham gia. Đã có nhiều tác giả, nhóm tác giả là phóng viên, hội viên nhà báo thường trú trên địa bàn và người làm báo không chuyên ở tỉnh gửi tác phẩm tham gia, đoạt giải cao hằng năm”.
Cùng với Giải Báo chí tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh cũng chủ động tổ chức phát động các cuộc thi báo chí chuyên đề. Năm 2021, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức được 03 cuộc thi ảnh báo chí, gồm: “Ấn tượng Cô Tô”, “Phòng chống đại dịch covid-19”, “Thích ứng an toàn với dịch bệnh covid-19”. Năm 2022, chào mừng Seagame 31, Hội Nhà báo Quảng Ninh tổ chức thi ảnh chủ đề “Quảng Ninh với Seagame 31”.
Năm 2023, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp tham mưu cho tỉnh tổ chức cuộc thi tác phẩm báo chí chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh…
Hội Nhà báo tỉnh cũng tích cực phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức Giải báo chí về xây dựng đảng (Giải Búa Liềm vàng) tỉnh Quảng Ninh. Giải Búa Liềm vàng tỉnh Quảng Ninh có cơ cấu 01 giải đặc biệt, 3 giải A, 5 giải B, 7 giải C và 10 giải khuyến khích. Giá trị giải thưởng của giải này khá cao cũng là một phần động lực để các tác giả hăng say sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao để tham dự.
Ngoài ra, ông Đỗ Ngọc Hà cũng chia sẻ, cùng với Hội Nhà báo tỉnh, Liên Chi hội Nhà báo Trung tâm Truyền thông tỉnh đã làm nòng cốt tham mưu tổ chức 4 kỳ Liên hoan nghiệp vụ của cơ quan. Liên hoan nghiệp vụ Trung tâm Truyền thông tỉnh là sự tiếp nối, phát triển các liên hoan phát thanh – truyền hình do Đài PTTH Quảng Ninh (trước đây) tổ chức. Từ khi thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh, Liên hoan nghiệp vụ được mở rộng về thể loại ở các loại hình báo in, báo điện tử, làm cho những ngày diễn ra Liên hoan thực sự là ngày hội để các hội viên nhà báo trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ báo chí.
Ước mong về Giải Báo chí Đồng bằng sông Hồng
Nói về những trăn trở và mong muốn trong việc tổ chức giải báo chí địa phương, nhà báo Đỗ Ngọc Hà cho rằng, hiện nay, trong toàn quốc đã có nhiều vùng kinh tế tổ chức được giải báo chí cấp khu vực, như: Giải Báo chí Đồng bằng sông Cửu Long (mùa giải thứ bảy), Giải Báo chí Tây Nguyên (lần thứ nhất), Giải Báo chí về miền Đông Nam Bộ (lần thứ hai); Giải Báo chí Nam Trung Bộ (lần thứ nhất). Như vậy, trong 6 vùng kinh tế của cả nước, đã có 4 vùng kinh tế có giải báo chí cấp khu vực và đều tập trung ở khu vực phía Nam.
Ngày 23/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 30-NQ/TW xác định mục tiêu xây dựng Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc…
“Tại hội nghị giao ban Cụm thi đua 8 Hội Nhà báo (HNB) khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ cuối năm 2022, các đơn vị trong Cụm đã thống nhất tổ chức Giải báo chí của Cụm mang tên Giải Báo chí Đồng bằng sông Hồng.
Tuy nhiên, do có nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến ý tưởng nêu trên chưa thành hiện thực. Trong các khó khăn nổi lên là khó khăn về nguồn tài chính, về vùng địa lý, về đơn vị đứng ra thường trực tổ chức giải. Về tài chính, ban đầu các HNB thống nhất mỗi đơn vị đóng góp một khoản để cùng nhau tổ chức giải. Tuy nhiên, cách thức này không ổn vì có đơn vị huy động được, có đơn vị gặp khó khăn. Về địa lý, vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, Cụm thi đua chỉ có 8 tỉnh, thành phố (thiếu 3 đơn vị trong Vùng kinh tế Đồng bằng sông Hồng, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh). Về đơn vị “cầm cái”, đứng ra thường trực giải, ban đầu thống nhất là đơn vị nào giữ vai trò Cụm trưởng thì sẽ đứng ra tổ chức. Nhưng như đã nêu ở phần kinh phí, nếu các đơn vị thành viên không đóng góp kinh phí thì đơn vị Cụm trưởng cũng không biết xoay xở ra sao” – Phó Chủ tịch Thường trực HNB tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm.
Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, nhà báo Đỗ Ngọc Hà mong muốn rằng, Hội Nhà báo Việt Nam cần hỗ trợ thông qua việc phân công một ban chuyên môn của Trung ương Hội (Ban Nghiệp vụ chẳng hạn) đứng ra chủ trì hỗ trợ Cụm thi đua và 3 đơn vị không trong Cụm thi đua (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) xây dựng Đề án; có văn bản chỉ đạo tổ chức Giải báo chí cấp khu vực này làm cơ sở để 11 HNB tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng báo cáo cấp uỷ, chính quyền địa phương ủng hộ, cấp kinh phí để tham gia tổ chức Giải. Và nên chăng, Hội Nhà báo Việt Nam nghiên cứu, xem xét điều chỉnh Cụm thi đua Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ theo hướng: Đổi tên thành Cụm thi đua Vùng Đồng bằng sông Hồng (gồm 11 đơn vị thành viên như Vùng kinh tế). Theo ông Ngọc Hà thì làm được như vậy, hoạt động của Cụm thi đua sẽ thêm sôi nổi, các đơn vị sẽ có thêm sự gắn kết và người làm báo sẽ có thêm một “sân chơi” để tự tin bước vào “sân chơi” lớn hơn đó là Giải Báo chí Quốc gia.
Sông Mây