Từ góc độ của các cấp Hội Nhà báo địa phương, vấn đề này dù chưa thực sự đạt được hiệu quả mạnh mẽ, nhưng việc cập nhật ứng dụng công nghệ vào công tác đào tạo nghiệp vụ cho hội viên đang từng bước được coi trọng và chắc chắn sẽ tạo ra nhiều đổi mới trong hoạt động nghề nghiệp của hội viên, nhà báo.
Chủ động đổi mới hoạt động nghiệp vụ, cập nhật ứng dụng công nghệ mới
Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu, là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển của mỗi cơ quan báo chí trong cả nước. Ở các địa phương, cấp Hội đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chuyển đổi số báo chí, khi mới bắt đầu thực hiện nhiều cơ quan báo chí cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, từ việc bắt đầu từ đâu, ứng dụng những nền tảng công nghệ gì và làm sao để tinh thần đổi mới, dám thay đổi để làm những điều mới mẻ thấm vào từng hội viên, nhà báo trong các phòng, ban của tòa soạn. Ở nhiều địa phương, bằng sự chủ động, năng động và sáng tạo, Hội Nhà báo các tỉnh, thành đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay ở cụm thi đua của mình để đưa hoạt động ứng dụng công nghệ số thành phong trào rộng khắp.
Với phương châm lấy con người làm trung tâm, nhiều địa phương chú trọng đến công tác đào tạo ứng dụng công nghệ cho hội viên nhà báo qua góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số trong hoạt động báo chí.
Mới đây, ngày 1/10, Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang tổ chức cho hội viên nhà báo buổi tập huấn kiến thức về thực hiện tác phẩm báo chí cho các nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube, Tiktok, tác phẩm Video, Podcast… Vấn đề tập huấn về nghiệp vụ là một trong các hoạt động thường niên được Hội Nhà báo tỉnh triển khai nhưng việc cập nhật những nội dung nghiệp vụ mới mẻ đang rất được lãnh đạo Hội quan tâm thời gian gần đây.
Nhà báo Ma Văn Chức – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Tuyên Quang cho biết, ngay từ đầu năm, Hội Nhà báo tỉnh đã có trao đổi với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam về các chủ đề của chương trình tập huấn như: nội dung các lớp tập huấn, mời giảng viên ra sao, sẽ có một danh sách các chương trình khóa học được đưa ra… Sau khi nhận được danh sách, Hội sẽ gửi xuống cho các chi hội để các hội viên lựa chọn đăng ký. Dựa trên nhu cầu số đông đăng ký tham gia Hội Nhà báo tỉnh sẽ tổng hợp và thống nhất, từ đó phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí để mời giảng viên về. Thời gian này, những chủ đề đào tạo được lựa chọn đều là ứng dụng công nghệ số vào hoạt động tác nghiệp của nhà báo phóng viên, tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng phù hợp với nhu cầu tiếp cận thông tin của công chúng.
“Chuyển đổi số là yêu cầu chung để đáp ứng với xu thế bắt buộc phải thực hiện đào tạo để hội viên tiếp nhận và ứng dụng những cái mới. Các giảng viên được lựa chọn sẽ truyền đạt những nội dung phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu nhiệm vụ cần kíp nhất mà các chi hội và hội viên đang cần, nội dung bài giảng cũng được đúc rút cô đọng từ thực tế. Tuy nhiên đối với chúng tôi, sau mỗi khóa học kéo dài vài ngày không phải là đã kết thúc mà đó mới là sự khởi đầu của hành trình ứng dụng vào thực tế hoạt động nghề nghiệp. Chúng tôi thường nói với nhau rằng, giảng viên là người nhả ra các sợi tơ, nhiệm vụ của mỗi hội viên là dệt những sợi tơ đó thành sản phẩm cụ thể. Trong thời gian sau đó, giảng viên sẽ lại quay lại để đánh giá xem những nội dung các kiến thức, kỹ năng được đi vào thực tế ra sao” – nhà báo Ma Văn Chức cho biết thêm.
Quá trình “dệt tơ” đối với những hội viên, nhà báo chắc chắn vẫn là một hành trình không ngừng nỗ lực mới có được thành công, nhưng là những đổi mới tích cực, cần kíp. Bởi chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Tuy nhiên, những nhà báo vốn được đào tạo tác nghiệp làm việc theo phương thức truyền thống với máy quay, máy ghi âm, máy ảnh, quyển sổ và cây bút… thì việc phải thích nghi để trở thành một nhà báo công nghệ, tác nghiệp trên môi trường mạng là điều không phải dễ, đòi hỏi sự nỗ lực để tiếp cận với cách làm báo hiện đại, tạo nên những tác phẩm báo chí hiện đại.
Sự đồng lòng trong các cấp Hội
Quá trình chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực đầu tư trong việc đổi mới cơ sở hạ tầng, các giải pháp kỹ thuật và đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực. Việc chuyển đổi số không chỉ đơn giản là về mặt công nghệ mà yếu tố con người mới là điều quyết định. Mỗi địa phương, để theo bắt kịp sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới thì cần có nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức chuyên môn chắc chắn và tư tưởng mở, luôn sẵn sàng thay đổi để thích ứng với môi trường chuyển đổi số.
Bên cạnh sự hỗ trợ giúp sức từ Hội Nhà báo các địa phương thì môi trường làm việc và văn hóa làm việc phải phù hợp, cởi mở ở tòa soạn cơ quan báo chí ấy cũng sẽ là cơ sở quan trọng để dễ dàng áp dụng công nghệ mới. Các tòa soạn cần quyết tâm, có chiến lược rõ ràng khi xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển khai thác nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số cho cán bộ, phóng viên. Cho nên từ công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đến việc ứng dụng thực tế luôn là điều mà các cơ quan báo chí, các cấp Hội nhà báo quan tâm.
Thực tế cho thấy, sau những khóa học được các Hội Nhà báo các tỉnh thành triển khai, khi về đến chi hội, các khóa học về ứng dụng công nghệ cho hội viên trong chi hội cũng được tiếp tục duy trì.
Tại Chi hội Nhà báo Báo Vĩnh Long từ năm 2022 đến nay, Báo đã quan tâm tích hợp đa phương tiện, tương tác, tương thích với tất cả các thiết bị như máy tính bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại di động…. Song song với việc thay đổi giao diện, đơn vị thực hiện các tác phẩm báo chí đa phương tiện như video clip, ảnh, Infographics, Megastory, Podcast,… nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng của công chúng.
Nhà báo Trần Tấn Anh – Thư ký Chi hội Nhà báo Báo Vĩnh Long cho biết: “Nhìn lại quá trình tác nghiệp trong thời gian qua cho thấy, để tạo ra tác phẩm báo chí hoàn chỉnh là tốn rất nhiều thời gian, công sức, khó cạnh tranh thông tin. Thấy được hạn chế đó, mới đây chúng tôi được sự hỗ trợ của Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long, Chi hội Nhà báo Báo Vĩnh Long đã tham gia tổ chức lớp tập huấn về chuyển đổi số, trong đó gần nhất là việc áp dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong thực hiện tác phẩm báo chí. Chúng tôi có thể áp dụng công nghệ để chuyển đổi băng video, ghi âm thành văn bản, chuyển các nội dung họp online thành văn bản, tác nghiệp nhanh mà không cần gõ bài, xây dựng một MC ảo biết đọc bản tin chính xác, không vấp lỗi chính tả sử dụng trong các tình huống khẩn cấp không có MC hoặc phát thanh. Với công cụ của trí tuệ nhân tạo, mọi việc khá dễ dàng đối với các phóng viên”.
Có thể nói, việc thực hiện chuyển đổi số như thế nào, bắt đầu từ đâu để phù hợp với chiến lược chuyển đổi số của từng đơn vị, địa phương còn là bài toán đặt ra thời gian tới. Tới đây, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ phối hợp với các ngành để xây dựng Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số, trong đó cũng có chiến lược chuyển đổi số và khóa học phù hợp với các địa phương. Hội Nhà báo Viêt Nam cũng sẽ hỗ trợ trong quá trình tổ chức thực hiện, nhưng vấn đề con người là cái lõi, phương tiện công nghệ chỉ làm lan tỏa hơn nên việc đào tạo nguồn lực phải tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội trong bối cảnh hiện nay, từ đó góp phần tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự phát triển của nền báo chí hiện đại.
Lê Tâm