Những khó khăn, sự sụt giảm và tăng trưởng thấp ở một số ngành sản xuất trọng điểm đã được dự báo từ cuối năm 2022. Việc nhận diện đúng những nguyên nhân khách quan, “bắt mạch” đúng những yếu kém từ nội tại sẽ là giải pháp căn cơ nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, khai thác tối đa dư địa cho phát triển.
Công ty TNHH Dịch vụ và Khách sạn Anh Phát tại Khu Kinh tế Nghi Sơn vừa đưa vào vận hành bến du thuyền Anh Phát với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng để khai thác tour du lịch Nghi Sơn – đảo Mê. Ảnh: minh hằng
Nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong những tháng đầu năm, kinh tế thế giới tiếp tục bất ổn, sức tiêu thụ hàng hóa ở một số thị trường truyền thống giảm mạnh, lãi suất cho vay của các ngân hàng còn ở mức cao… đã tác động lên nền kinh tế trong nước, trong tỉnh. Cùng với đó, sự chồng chéo, thiếu thống nhất tại một số quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, nhà ở và kinh doanh bất động sản, đấu thầu, quản lý vốn của Nhà nước, đặc biệt là quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC),… đang gây khó khăn trong công tác triển khai thực hiện.
Có thể thấy điển hình tác động tiêu cực từ tình hình thế giới gây hệ luỵ nghiêm trọng lên sự suy giảm ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương cho biết: “Từ năm 2010 đến nửa đầu năm 2022, xuất khẩu của tỉnh đã liên tục tăng trưởng. Đặc biệt, nhiều thời điểm tăng trưởng đạt 2 con số. Tuy nhiên, từ những tháng cuối năm 2022 đến đầu năm nay, giá trị hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) đã không “kháng cự” được xu thế chung. Quý 1-2023, giá trị xuất khẩu hàng hóa đã giảm tới 20,6% so với cùng kỳ. Nguyên do của sự sụt giảm sâu này là nhóm hàng may mặc, giày da hiện chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình chính trị – kinh tế thế giới nhiều biến động do xung đột Nga – Ukraina khiến giá các nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao; chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng, kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam. Xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm đã khiến nhu cầu tiêu thụ ngay cả với các sản phẩm thông thường như may mặc, giày da, đồ gỗ,… khiến nhiều DN bị cắt giảm mạnh đơn hàng”.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, quy định về PCCC đang gây rất nhiều khó khăn đến các lĩnh vực hoạt động của DN – lực lượng đóng góp tới 70% GRDP và khoảng 50% tổng thu ngân sách nội địa. Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, cho biết: “Lạm phát tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm, tăng giá và không ổn định. Dòng vốn cho sản xuất bị ngưng trệ ở nhiều thời điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến các chuỗi cung cầu đã nhiều rạn nứt vốn đã gây quá nhiều khó khăn cho các DN. Trong bối cảnh đó, thì tiêu chuẩn quy định về PCCC quá cao khiến DN đang “ốm yếu sẵn”, “sức khỏe lại càng thêm trầm trọng”. Nhiều DN bị xử phạt, bị đình chỉ sản xuất, nhà máy xây dựng xong không đưa vào vận hành được gây lãng phí nguồn vốn, không tạo thêm việc làm mới cùng nhiều hệ lụy xã hội khác”.
Vận chuyển hàng hóa đi xuất khẩu tại Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 1 thuộc Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn. Ảnh: Minh Hằng
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế đã tồn tại kéo dài chưa tìm được giải pháp khắc phục, gây ảnh hưởng không nhỏ lên sự phát triển bền vững và khả năng thích ứng trước biến cố của các ngành sản xuất. Điển hình như theo đánh giá của ngành công thương, tăng trưởng công nghiệp đạt thấp, xuất khẩu giảm mạnh còn có nguyên nhân từ sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu đầu vào từ thị trường Trung Quốc và sản xuất gia công theo đơn đặt hàng của đối tác; sự thiếu liên kết giữa các ngành sản xuất nội địa; việc chưa chú trọng nhiều đến quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu và nâng cao, chuẩn hóa tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu; năng lực tài chính và khả năng quản trị của một số chủ đầu tư dự án công nghiệp còn yếu kém khiến dự án chậm tiến độ, chưa đưa vào vận hành để gia tăng sản phẩm mới và sản lượng cho ngành công nghiệp.
Cùng với những khó khăn, tồn tại từ các “chủ thể” sản xuất, tại phiên họp thường kỳ đánh giá thực hiện nhiệm vụ quý 1 của UBND tỉnh mới đây, các đại biểu đã thẳng thắn phân tích những nguyên nhân từ phía quản lý Nhà nước, đó là công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số đơn vị chưa chặt chẽ; năng lực, trách nhiệm công tác và thái độ phục vụ của một số cán bộ, công chức còn chưa cao; một số ngành, địa phương chưa quan tâm, sâu sát đối với nhiệm vụ quy hoạch để làm tiền đề triển khai cho các nhiệm vụ về sau; nhiều chủ đầu tư trách nhiệm chưa cao, thiếu chủ động và linh hoạt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, dẫn đến tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”; nhiều địa phương chưa quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng khiến dự án chậm tiến độ; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đáp ứng được nhu cầu của DN, người dân.
Nỗ lực khai thác tối đa dư địa tăng trưởng
Quý 2 có vai trò quyết định đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm, tạo đà cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm và cả năm 2023. Mặc dù vẫn chịu tác động bởi tình hình thế giới, nhưng nền kinh tế trong nước đang tiếp tục xu hướng phục hồi và đạt kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực. Các yếu tố kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế ngày càng hoàn thiện và được ban hành kịp thời… Đây sẽ là những điều kiện tạo thuận lợi để Thanh Hóa đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
Vận chuyển nông sản đi tiêu thụ tại Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao mía đường Lam Sơn. Ảnh: Minh Hằng
Từ việc nhận diện những khó khăn, vừa qua, UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể đến từng ngành, từng đơn vị và các địa phương. Mục tiêu của tỉnh nhằm khắc phục hạn chế, phát huy năng lực để khai thác tối đa dư địa tăng trưởng kinh tế. Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ, nền tảng của nền kinh tế. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần theo dõi chặt chẽ tình hình cung cầu, giá các loại vật tư nông nghiệp thiết yếu và các mặt hàng nông sản, chủ động có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc ùn ứ vật tư, “được mùa mất giá”. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lĩnh vực nông nghiệp, sớm hoàn thành đưa vào hoạt động như: Dự án Trang trại tổng hợp Xuân Thắng tại xã Xuân Thắng (Thường Xuân); Khu trang trại chăn nuôi lợn hàng hóa chất lượng cao APPE AC (Lang Chánh); Dự án trang trại sinh thái tổng hợp chăn nuôi và sản xuất giống cây trồng Thạch Thành; chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Ngành công thương cần tăng cường kiểm tra, nắm chắc tình hình hoạt động của DN, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bảo đảm DN sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, nhất là các sản phẩm có khả năng gia tăng sản lượng, phát huy tối đa công suất để bù đắp phần thiếu hụt giá trị sản xuất công nghiệp cho các sản phẩm có sản lượng giảm. Đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp dự kiến hoàn thành trong năm 2023; đẩy mạnh các hoạt động kết nối, kích cầu tiêu dùng trong nước; hướng dẫn, hỗ trợ các DN gia tăng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn tiềm năng, các đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam. Tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo các ngành, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi nhất để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là nhóm DN sản xuất sản phẩm chủ lực, đóng góp lớn vào tăng trưởng và thu ngân sách của huyện, của tỉnh, chú trọng công tác đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia làm động lực cho nền kinh tế.
Xác định là “đầu tàu” kinh tế, quyết định tới tăng trưởng, xuất nhập khẩu và thu ngân sách tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất trong thời gian tới. Đồng chí Bùi Tuấn Tự, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, cho biết: “Đơn vị đang tích cực bám sát, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hiện hữu đầu tư mở rộng quy mô, công suất, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Thường xuyên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lớn, có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 1… Cùng với đó, ban còn đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai sớm đưa vào hoạt động để gia tăng sản lượng hàng hóa công nghiệp như: Nhà máy Xi măng Đại Dương 1 và 2, Nhà máy Sản xuất lốp ôtô Radial, Nhà máy Sản xuất găng tay Nitrile Intco, Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 2, Nhà máy Khung tranh Intico, Nhà máy Hóa chất Đức Giang… Đồng thời, đôn đốc triển khai các dự án hạ tầng khu công nghiệp, trình phê duyệt quy hoạch các khu công nghiệp mới, đổi mới tác phong phục vụ, đồng hành cùng DN, nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ tại địa bàn do đơn vị quản lý”.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình trong tỉnh, trong nước và quốc tế, tập trung phân tích, nâng cao chất lượng công tác dự báo, phản ứng linh hoạt với các yếu tố mới tác động để kịp thời tham mưu, đề xuất bổ sung các giải pháp chỉ đạo, điều hành, bảo đảm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 của tỉnh. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Sở đang tham mưu rà soát, cắt giảm, điều chỉnh vốn của các dự án không có khả năng giải ngân, chậm giải ngân để bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt, giải ngân nhanh, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2023. Tập trung giải quyết nhanh, đúng quy định của pháp luật các thủ tục về đầu tư; theo dõi, đôn đốc, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp; tiếp tục rà soát, đề xuất thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.
Nhóm PV Kinh tế