ĐỀ MÔN VĂN “CÓ NHỮNG ĐIỂM SÁNG”
Đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội được đánh giá là có cấu trúc quen thuộc mà nhiều năm nay Hà Nội vẫn áp dụng, nhưng theo nhận xét của giáo viên (GV), đề thi năm nay “đã có những điểm sáng”, phân hóa tốt hơn…
Trên trang cá nhân, TS Trịnh Thị Thu Tuyết, nguyên GV ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), có bài viết nhận định sâu sắc về đề thi ngữ văn năm nay. Trong đó, cô cho rằng đề thi năm nay nhìn chung vừa sức, không đánh đố học sinh (HS), có tính phân loại ngay trong cấu trúc quen thuộc, kiểm tra đúng những đơn vị kiến thức và kỹ năng cơ bản trong chương trình. Cả hai phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội đều có cùng một kiểu dạng với sự kết hợp giữa câu hỏi đọc hiểu và yêu cầu viết đoạn văn.
Trong phần nghị luận xã hội, theo cô Tuyết, câu 2 dành một dư địa rộng, mở cho thí sinh (TS) tự do bày tỏ quan niệm cá nhân trước vấn đề: “Có ích kỷ không nếu chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác? Đây là câu hỏi có khả năng phân loại cao khi câu trả lời của phần đông TS có thể được định hướng theo tinh thần của nhan đề cuốn sách Dám bị ghét, đi theo “trend” của xã hội hiện đại với sự đề cao cái tôi cá nhân, đáp ứng đúng nhu cầu vốn rất bản năng của mỗi con người, mong được sống theo những mong muốn, sở thích, sở trường của mình, dù có thể “bị ghét”.
Tuy nhiên, theo cô Tuyết, ranh giới giữa cách sống độc lập, tự chủ với cách sống ích kỷ, vô tình luôn rất mỏng manh – đó là khoảng trống dành cho những TS có tư duy sắc sảo, hiểu biết xã hội phong phú, nhất là có trái tim nhân hậu thể hiện được quan niệm riêng của mình, không bị định hướng, không men theo “trend”.
“Nhìn chung, trong giới hạn khá chật hẹp của khuôn mẫu với cấu trúc đề và kiểu dạng câu hỏi quen thuộc, đề thi tuyển sinh vào 10 môn ngữ văn của Hà Nội năm nay đã có những điểm sáng thể hiện trong cách chọn ngữ liệu, tìm vấn đề, đặt ra những câu hỏi khơi mở năng lực tư duy sáng tạo cho học trò”, cô Tuyết nhận định.
Nhiều GV cũng cho rằng câu viết đoạn văn nghị luận xã hội cách ra đề có thể khá mới mẻ với một số TS, nhưng về bản chất vẫn là nêu ý kiến và bàn luận vấn đề. HS có kỹ năng tốt sẽ làm được bài. Với những HS kỹ năng chưa tốt, chưa có sự linh hoạt khi làm bài thì sẽ khó viết. Hai câu hỏi vận dụng (viết đoạn văn) cũng nằm trong phạm vi HS đã được rèn kỹ năng làm bài.
Cô Bùi Thị Thanh Hương, GV Trường THCS Giảng Võ (Q.Ba Đình, Hà Nội), đánh giá đề thi cơ bản, gần gũi và giàu giá trị nhân văn. Đề có khoảng 70% câu hỏi nhận biết, thông hiểu, song vẫn đảm bảo tính phân hóa, nằm ở yêu cầu viết đoạn văn. Vì thế, cô Hương cho rằng đề năm nay khó hơn năm ngoái một chút. Phổ điểm vẫn khoảng 7 – 8, nhưng mức 7 – 7,5 có thể nhiều hơn.
ĐỀ TIẾNG ANH PHÂN HÓA TỐT
Nhiều GV có chung nhận định đề thi tiếng Anh năm nay có độ phân hóa tốt hơn, phù hợp với điều kiện học tiếng Anh của HS Hà Nội. Cô Đinh Bích Liên, GV Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho rằng đề thi năm nay bám sát cấu trúc đề tương tự các năm trước, bao gồm 40 câu trắc nghiệm, kiểm tra tổng hợp các kiến thức ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu và viết câu chủ yếu trong chương trình lớp 9. Đề thi có độ phân hóa cao khi trên 60 – 70% câu hỏi của đề thuộc cấp độ nhận biết – thông hiểu, khoảng 30 – 40% thuộc cấp độ vận dụng và vận dụng cao.
Cũng theo cô Liên, mặc dù không xuất hiện những câu hỏi quá khó, đánh đố nhưng đề thi vẫn có một số câu phân loại được HS khá, giỏi. Do vậy, điểm thi môn tiếng Anh năm nay có thể giảm so với các năm trước do mất điểm ở một số câu dễ gây nhầm lẫn và những câu mang tính phân loại HS, điểm tuyệt đối sẽ ít hơn.
Cô Lê Hương Ly, GV tiếng Anh Trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhận xét: Nhìn chung đề thi tiếng Anh năm nay có tính chất phân loại tốt trong một kỳ thi lớn vào lớp 10 tại Hà Nội. So với đề của các năm trước, phần ngữ pháp vẫn tập trung vào những cấu trúc quen thuộc, thường gặp nhưng kiến thức về từ vựng có phần “nhỉnh” hơn, đòi hỏi HS phải vận dụng kỹ năng đoán nghĩa dựa vào ngữ cảnh.
Phần đọc hiểu với 2 bài ở hai chủ đề gắn liền với các em, tuy nhiên HS cần đọc kỹ và cẩn thận để không sai lỗi cơ bản. Phần viết khá hay với các cấu trúc đa dạng và cũng có câu khó hơn một chút để chọn HS đạt điểm 10.
THÍ SINH, PHỤ HUYNH “DỄ THỞ” VỚI ĐỀ THI
Ghi nhận của Thanh Niên tại một số điểm thi trên địa bàn Hà Nội như Trường THCS Trần Duy Hưng, Trường THCS Yên Hòa, Trường THCS Dịch Vọng (Q.Cầu Giấy), Trường THPT Xuân Phương (Q.Nam Từ Liêm), đa số TS đều đánh giá đề thi môn ngữ văn và tiếng Anh “dễ thở”.
Bước ra cổng điểm thi sáng 8.6, TS Nguyễn Minh Trúc ôm chầm lấy mẹ để chia sẻ niềm vui. Thấy con gái tự tin và làm bài tốt, chị Nguyễn Thị Bình Minh như trút được gánh nặng, lo lắng trong lòng.
Giọng vẫn còn run run, Trúc cho biết đề thi văn năm nay vào tác phẩm Đồng chí, đây là tác phẩm được Trúc ôn kỹ nhất và hai mẹ con cũng dự đoán đề thi năm nay dễ vào tác phẩm này. Trúc đánh giá phần nghị luận xã hội khá phù hợp, không đánh đố nhưng có tính chất phân loại TS.
“Em dự đoán mình được khoảng 8 điểm. May mắn thời gian qua, ngoài các thầy cô ở trường thì ở nhà mẹ cũng ôn luyện văn cho em nhiều, nên em cũng làm được bài tốt hơn”, Trúc nói.
Có tâm trạng vui giống như Trúc, TS Nguyễn Thu Sang cho biết đề thi môn ngữ văn năm nay không quá khó. Cấu trúc đề giống như đề thi minh họa đã công bố trước đó nên Sang làm bài xong trước 15 phút.
“Em ôn tác phẩm văn học hơi lệch chút nhưng vẫn làm được, em thấy đề thi như vậy phù hợp. Bạn nào nắm chắc kiến thức dễ dàng đạt 8 điểm. Em dự đoán mình được khoảng 8,75 điểm”, Sang nói.
Giống như môn văn, các TS đánh giá đề thi tiếng Anh vừa sức. “Đề thi dễ, ít nhất con được 9 điểm”, một TS khoe với phụ huynh sau khi bước ra khỏi phòng thi tại điểm thi Trường THCS Dịch Vọng.
TS Đỗ Anh Quân (HS Trường THCS Lương Thế Vinh) đánh giá đề thi tiếng Anh vừa sức với bản thân. Quân hoàn thành bài thi trong khoảng 40 phút.
“Đề liên quan đến những kiến thức đã học, nếu chắc kiến thức sẽ làm được. Em dự đoán mình được khoảng 8,5 – 9 điểm”, Quân chia sẻ.
Giống như điểm thi Trường THCS Dịch Vọng, tại điểm thi Trường THCS Trần Duy Hưng, các TS cũng rất tự tin về bài làm môn tiếng Anh.
Là một trong những TS ra đầu tiên tại điểm trường này, Trần Anh Thư (HS Trường THCS Giảng Võ) tự tin được hơn 9 điểm do tiếng Anh là môn thế mạnh.
“Em nghĩ càng ngày đề thi sẽ càng khó hơn. Nhưng khi vào phòng thi, đọc đề, em thấy tự tin. Em thường ôn tiếng Anh theo chuyên đề nên nắm được đa phần các dạng ngữ pháp, từ mới”, Thư chia sẻ.
2 thí sinh vi phạm quy chế thi do mang điện thoại
Kết thúc ngày thi đầu tiên trong kỳ thi vào lớp 10 với 2 môn thi, theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội, chỉ có 2 TS vi phạm quy chế thi (mang điện thoại vào phòng thi) ở buổi thi môn ngữ văn. Tỷ lệ TS dự thi đều đạt khoảng 99,6%, môn ngữ văn toàn thành phố vắng 448 TS, môn ngoại ngữ vắng 459 TS.
Nguồn: https://thanhnien.vn/de-thi-vao-lop-10-tai-ha-noi-quen-thuoc-nhung-phan-hoa-tot-hon-18524060822142372.htm