Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết sẽ công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo sau khi huy động khoảng 3.000 giáo viên nòng cốt trên cả nước tham gia làm ngân hàng câu hỏi đề thi. Với môn ngữ văn, môn tự luận duy nhất của kỳ thi, xin có một số đề xuất về cấu trúc đề thi:
Cơ sở để xây dựng đề thi
Với tính chất đặc thù một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, nội dung đề thi nên dựa vào chương trình tổng thể môn học, lấy yêu cầu cần đạt làm cơ sở chính để xác định nội dung cho đề, sách giáo khoa chỉ là học liệu.
Nếu kiến thức giới hạn chủ yếu ở lớp 12 thì đề thi cần phải đúng trọng tâm giới hạn này. Cần phải có thao tác hệ thống toàn bộ các bài học của 3 bộ sách ngữ văn đang sử dụng giảng dạy để có cách đánh giá công bằng, tránh thiên lệch (hoặc may rủi) về mảng kiến thức nào đó trong đề thi.
Việc chọn ngữ liệu để đưa vào đề thi là các văn bản ngoài chương trình, không có trong sách giáo khoa đòi hỏi đề thi phải thật sự thấu đáo. Các văn bản được chọn vào đề “không nằm trong bất cứ bộ sách nào, lớp nào đã học, kể cả sách giáo viên, sách bài tập…”.
Với môn ngữ văn, Chương trình GDPT mới đánh giá 4 kỹ năng của học sinh gồm đọc, viết, nói và nghe. Tuy nhiên vì đặc trưng, đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu chỉ đánh giá 2 kỹ năng là đọc và viết.
Về văn bản, chương trình mới xây dựng trên cơ sở hệ thống thể loại tác phẩm văn bản. Theo đó, có 4 thể loại văn bản được học gồm thơ, văn xuôi, văn bản kịch và văn nghị luận.
Cuối cùng, đề thi tốt nghiệp THPT cần đánh giá khá toàn diện các kỹ năng của học sinh. Đó là kỹ năng đọc hiểu văn bản, kỹ năng làm văn nghị luận về một vấn đề xã hội và văn học.
Đề thi không nên quá dài
Từ các cơ sở trên, xin đề xuất đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn từ năm 2025 như sau: Với thời gian làm bài 120 phút, đề thi không nên quá dài, khoảng một mặt giấy A4 là lý tưởng, tối đa là 1,5 trang A4. Cấu trúc đề gồm hai phần: đọc hiểu và làm văn.
Phần I: đọc hiểu, đề cho văn bản mới, thuộc một trong 4 thể loại nói trên (thơ, văn xuôi, văn bản kịch hoặc văn nghị luận). Nếu văn bản ngắn gọn thì trích dẫn hết vào đề. Nếu văn bản dài, chỉ trích một phần tiêu biểu, các phần còn lại đưa vào lược trích hoặc văn bản tóm tắt riêng (có ghi chú vị trí đoạn trích dẫn) để thí sinh hiểu toàn bộ văn bản. Cần có thông tin ngắn gọn về tác giả kèm theo trong đề. Câu hỏi đọc hiểu (khoảng 4 câu) cần bám sát vào tri thức ngữ văn về thể loại mà học sinh đã học, theo các mức: nhận biết, thông hiểu, liên hệ, vận dụng.
Ở phần II: làm văn, thay vì theo cách ra đề cũ là viết đoạn văn xã hội (có tích hợp với văn bản đọc hiểu) trước rồi nghị luận văn học sau thì với đề mới này nên đưa phần nghị luận văn học lên trước (câu 1), tích hợp với văn bản ở phần đọc hiểu. Phần nghị luận văn học này chỉ yêu cầu thí sinh phân tích một số khía cạnh tiêu biểu ở phần trích dẫn theo đặc trưng thể loại.
Phần nghị luận xã hội cũng nên yêu cầu viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nhưng đặt sau (câu 2) của câu nghị luận văn học. Phần này không tích hợp với văn bản đọc hiểu mà tách riêng biệt. Dạng câu hỏi này cần bám sát các kiểu viết văn xã hội ở lớp 12 theo chương trình mới. Nếu không tách riêng câu viết đoạn văn xã hội với văn bản đọc hiểu, thí sinh sẽ lặp ý rất nhiều khi viết, và cảm thấy đơn điệu, thiếu hứng thú khi làm bài.
Về thang điểm, nên phân chia như sau: phần đọc hiểu: 3 điểm; phần làm văn: 7, trong đó câu nghị luận văn học 4 điểm và câu viết đoạn văn 3 điểm.