RÈN KỸ NĂNG, NẮM CHẮC KIẾN THỨC NỀN TẢNG
Với môn toán, cô Bùi Thị Oanh, Trường THCS-THPT Marie Curie (Hà Nội), cho rằng hình thức thi mới, các bài toán đều mới lạ khi nhiều chữ, đòi hỏi cả thầy và trò đều phải thay đổi cách dạy, cách học mới đáp ứng được “Thực ra, trong đề không còn câu quá khó hay mẹo mực, nhưng mới và lạ mà học sinh (HS) có tâm lý ngại khi thấy nhiều chữ. Thời gian tới sẽ cần cho HS khắc phục và làm quen với điều này”, cô Oanh chia sẻ.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên (GV) một trung tâm bồi dưỡng kiến thức tại Hà Nội, đánh giá đề môn toán có sự khác biệt rõ rệt so với trước đây. Đề phân hóa khá mạnh so với những năm trước và rất thách thức với HS. Nếu giữ mức độ đề thi như vậy, trong vài năm tới điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm mạnh.
Với sự thay đổi này, thầy Tùng cho rằng để đạt điểm cao môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây, HS cần nắm chắc kiến thức nền tảng, hiểu bản chất vấn đề; tăng cường liên hệ với các môn học khác, liên hệ thực tế. Ngoài ra, người học cần rèn kỹ năng đọc đề, phân tích đề và lên phương án giải quyết vấn đề; rèn kỹ năng tính toán nhanh, chính xác và tăng cường luyện tập, giải toán, làm đề với đa dạng các nội dung.
Thầy Trần Văn Toàn, nguyên Tổ trưởng Tổ toán Trường Marie Curie (Q.3, TP.HCM), đánh giá trước đây việc học chủ yếu tập trung vào truyền tải công thức và cách giải nhanh. Với đề tham khảo của chương trình mới, sự xuất hiện của nhiều bài toán thực tế (liên quan đến chuyển động, kinh tế, thiên văn học…) đòi hỏi HS phải chuyển từ phương pháp học thuộc lòng sang phương pháp hiểu rõ bản chất của từng khái niệm và áp dụng chúng trong các tình huống thực tế.
Theo thầy Toàn, GV giúp HS rèn luyện kỹ năng phản biện, tư duy logic, giải thích và trình bày bài toán rõ ràng. Hơn thế nữa, cần vận dụng linh hoạt kiến thức liên môn vì đề tham khảo yêu cầu HS phải vận dụng kiến thức liên quan đến nhiều môn học khác nhau như toán học, vật lý, địa lý hay kinh tế vào tìm đáp án. Như vậy, theo thầy Toàn, HS cần học hiểu sâu và nắm vững bản chất kiến thức thay vì chỉ học thuộc lòng.
TRÁNH ĐƯỢC HỌC TỦ MÔN NGỮ VĂN
Cô Nguyễn Thị Tâm, GV Trường THCS-THPT Marie Curie (Hà Nội), cho rằng những điểm mới ở đề tham khảo môn văn sẽ tác động tích cực đến việc dạy học môn văn, tránh việc học tủ, ghi nhớ máy móc.
Cô Phạm Hà Thanh, GV Trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông (Hà Nội), chia sẻ khi đề môn ngữ văn được ra hoàn toàn không có ngữ liệu trong SGK, thì đáp án và hướng dẫn chấm cũng cần cân nhắc về mức độ yêu cầu so với cách ra đề quen thuộc trước đây. “GV không thể áp đặt cách đánh giá khắt khe trong quá trình chấm bài theo cách ra đề mới”, cô Thanh nói.
Thầy Ngô Văn Đát, GV Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM) chỉ ra sự thay đổi về yêu cầu trong phần viết. Trước đây, HS sẽ thực hiện viết đoạn nghị luận xã hội và viết bài nghị luận văn học thì nay yêu cầu ngược lại. Thầy Đát cho biết chiếu theo đề tham khảo này, GV và HS cần tập trung vào kiến thức theo đặc trưng thể loại. Đối với phần viết đoạn nghị luận văn học, HS chú ý dung lượng đoạn văn khoảng 200 chữ, nắm vững các thao tác phân tích, chứng minh, bình luận để triển khai các ý trong đoạn hợp lý. Với bài nghị luận xã hội, HS nên tập trung nắm các vấn đề có tính thời sự, thể hiện được quan điểm, góc nhìn cụ thể.
Học mẹo không còn phù hợp
Cô Trần Thị Hồng Nhung, GV Trường quốc tế Á Châu (TP.HCM), nhìn nhận cấu trúc đề tham khảo môn tiếng Anh có nhiều thay đổi so với năm trước.Thay đổi lớn nhất là bỏ hoàn toàn các câu hỏi trắc nghiệm đơn lẻ. Không còn các câu hỏi về phát âm, trọng âm của từ, cũng như các tình huống giao tiếp. Các kiến thức ngữ pháp thường được đánh giá bằng các câu trắc nghiệm đơn lẻ trước đây giờ được đưa vào các bài đọc và điền từ, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng các cấu trúc ngữ pháp và từ vựng trong ngữ cảnh của bài đọc thay vì học vẹt, học tủ các cấu trúc ngữ pháp như trước đây.
“Với cấu trúc đề mới, HS có thể choáng ngợp bởi lượng bài đọc và gặp khó khăn nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng. Điều này đòi hỏi GV và HS cần thay đổi cách dạy và học ngay từ bây giờ”, cô Nhung nhận định.
“Học tủ ngữ pháp và học mẹo trong quá trình ôn tập sẽ không còn phù hợp. Thay vào đó, GV cần hướng dẫn HS các kỹ năng đọc hiểu quan trọng như kỹ năng xác định thông tin, xác định ý chính, đọc lướt, đoán ý, đoán nghĩa của từ trong ngữ cảnh, suy luận mối liên hệ, tóm tắt… Bên cạnh đó, HS cũng cần tránh lối học thuộc lòng mà thay vào đó phải chủ động trong học tập, đọc nhiều thể loại văn bản khác nhau để nâng cao kiến thức và mở rộng vốn từ”, giáo viên Trường quốc tế Á Châu hướng dẫn.
Môn tiếng Anh từ nhiều năm nay vốn là môn có kết quả “đội sổ” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc thay đổi theo hướng ra đề khó hơn liệu có càng khiến cho kết quả môn thi này trở nên “bết bát” hơn?
Nhiều ý kiến GV cho rằng tiếng Anh không còn là môn bắt buộc nữa nên việc gia tăng độ khó là phù hợp bởi chỉ những HS có thế mạnh về tiếng Anh mới chọn môn này để dự thi. Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Hiệu trưởng Trường THPT Đại Cường (H.Ứng Hòa, Hà Nội), cho rằng: Phương án thi mới, ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc nên cả thầy và trò đều cảm thấy như trút được gánh nặng, vì những năm trước điểm thi trung bình môn ngoại ngữ của HS chỉ nằm ở mức 3-4 điểm. Ở vùng ngoại thành khó khăn, chỉ có ít em có điều kiện đi học thêm và có năng lực ngoại ngữ tốt.
NÂNG CAO KHẢ NĂNG TƯ DUY, VẬN DỤNG KIẾN THỨC
Ở môn thi có tên gọi mới là giáo dục kinh tế và pháp luật, thầy Nguyễn Tiến Dũng, GV Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM), cho hay đề tham khảo môn này có độ khó cao, ngoài kiến thức cơ bản, HS cần có kiến thức thực tế và khả năng tư duy, phân tích, xử lý thông tin, tình huống.
Do vậy, thầy Nguyễn Tiến Dũng cho rằng HS phải nắm thật chắc kiến thức cơ bản. Ở mỗi chủ đề cần vẽ sơ đồ tư duy để dễ hiểu. Tiếp đó phải thường xuyên đọc hiểu ví dụ, từ đó phân tích ví dụ, phân tích đề, đặc biệt chú ý câu hỏi trắc nghiệm dựa vào đoạn thông tin để trả lời nhiều hơn một câu hỏi và trắc nghiệm đúng – sai. Cần phải thường xuyên nâng cao khả năng tư duy, vận dụng các kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, tham khảo tư liệu, thông tin, tình huống liên quan các chủ đề trong chương trình môn học, tích cực tham gia các hoạt động dự án, chuyên đề trong quá trình học tập.
Thay đổi phương pháp dạy học
Sự chuyển biến tích cực trong cách ra đề từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực yêu cầu sự thay đổi cả ở phía người dạy lẫn người học. GV cần thay đổi phương pháp dạy học để phát triển toàn diện năng lực HS, còn HS cần chú trọng rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tế.
Theo thầy Phạm Lê Thanh, GV Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), GV cần hướng dẫn HS cách áp dụng kiến thức vào thực tiễn, thay vì chỉ dạy lý thuyết hoặc các bài toán tính toán hóc búa, gây khó khăn và mất hứng thú với môn học. Điều này có thể bao gồm việc kết nối nội dung học với các tình huống thực tế trong đời sống thực tiễn và sản xuất.
GV nên đa dạng hóa các hoạt động trong lớp học, tăng cường tổ chức thảo luận, làm dự án hoặc bài tập nhóm để giúp HS rèn luyện kỹ năng vận dụng và giải quyết vấn đề thực tế. Tạo cơ hội để HS tham gia thảo luận, chia sẻ ý kiến và làm việc nhóm nhằm phát triển năng lực tư duy phản biện và giải quyết vấn đề.
HS cần thay đổi cách học từ việc chỉ ghi nhớ kiến thức sang việc hiểu và biết cách áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế.
Bích Thanh
Nguồn: https://thanhnien.vn/de-tham-khao-thi-tot-nghiep-thpt-thay-doi-cach-day-va-hoc-185241020191240778.htm