Sau 3 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT), TP. Đà Nẵng đã phát huy tính ưu việt, bộ máy chính quyền gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn, góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp (DN). Song trong quá trình thực hiện, thực tế vẫn còn phát sinh một số hạn chế, vướng mắc cần giải quyết dứt điểm để tạo đột phá cho Đà Nẵng trong giai đoạn mới…
Tính ưu việt của mô hình chính quyền đô thị
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng, qua triển khai thực hiện, tổ chức bộ máy từng bước được tinh gọn, thủ tục hành chính được cắt giảm, tạo thuận lợi cho tổ chức, nhân dân trong giải quyết các thủ tục hành chính. UBND cấp quận, phường hoạt động theo cơ chế thủ trưởng đã phát huy tính chủ động trong hoạt động điều hành của chính quyền, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp quận, phường, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.
Phân cấp, phân quyền tạo sự linh hoạt trong triển khai, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, tổ chức bộ máy tinh gọn, rút ngắn quy trình, bớt khâu trung gian, giảm bớt thủ tục hành chính và thời gian giải quyết công việc cho người dân và DN.
Việc phân cấp quản lý đã tạo điều kiện cho chính quyền TP. Đà Nẵng kịp thời quan tâm giải quyết tháo đáo những khó khăn vướn mắc của DN và người dân thành phố |
Đối với kết quả phân cấp tại thành phố ước tổng thời gian giảm của 89 nội dung phân cấp, ủy quyền là 233 ngày. Đặc biệt, việc Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức giữ chức danh Tư pháp – Hộ tịch phường thực hiện ký chứng thực đã tạo sự hài lòng cho tổ chức, công dân, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm được thời gian của nhân dân.
Tổ chức điều hành phát triển kinh tế – xã hội của UBND thành phố, quận, phường ổn định thông suốt, quốc phòng, an ninh chính trị được đảm bảo. Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành tính đến ngày 31/12/2023 đạt khoảng 134.247 tỷ đồng, tăng 23.061 tỷ đồng (so với năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19).
Khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, các khoản thu trên địa bàn quận, phường được chuyển về ngân sách thành phố quản lý. Từ đó, tạo được nguồn lực lớn cho ngân sách địa phương chủ động cân đối triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù như quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách thành phố; HĐND thành phố quyết định phí, lệ phí, ban hành các Nghị quyết miễn một số loại phí, lệ phí như phí tham quan, phí thư viện… đã góp phần bảo đảm nguồn lực cho Đà Nẵng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội nói chung và các chính sách an sinh xã hội.
Khi không còn HĐND quận, phường, quyền dân chủ của người dân tiếp tục phát huy và tăng cường. HĐND TP. Đà Nẵng tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động, phù hợp với đặc điểm của mô hình chính quyền đô thị.
Việc phân cấp cho TP. Đà Nẵng thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung của địa phương rút ngắn trình tự, thời gian, tạo sự chủ động trong việc triển khai công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội .
Giải quyết dứt điểm những hạn chế
Mặc dù, thực hiện thí điểm mô hình CQĐT, TP. Đà Nẵng đã phát huy nhiều thuận lợi, tích cực, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn phát sinh một số hạn chế, vướng mắc.
Nói về vấn đề này, ông Minh cho hay, qua quá trình thực hiện mô hình CQĐT, thực tế đã nổi lên một số vấn đề như: khi không tổ chức HĐND ở quận và phường nhưng tổ chức và hoạt động của HĐND thành phố chưa có đổi mới căn bản về phương thức và cơ chế hoạt động. Nhất là hoạt động giám sát của cơ quan dân cử đối với UBND quận, phường và Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân quận.
Cùng đó, việc chưa xây dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu đối với chức danh Chủ tịch UBND ở quận, phường khi được trao quyền là người đứng đầu cơ quan hành chính ở quận, phường và trong điều kiện không còn tổ chức HĐND ở quận, phường.
Con theo các địa phương, khó khăn lớn nhất trong quá trình thí điểm mô hình CQĐT là UBND quận, phường không còn là cấp ngân sách mà thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách.
Việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp Đà Nẵng phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc |
Vậy nên, các địa phương không có dự phòng ngân sách, không còn nguồn tăng thu, kết dư ngân sách nên hạn chế tính chủ động trong việc cân đối thêm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương. Đặc biệt, khó khăn trong việc đáp ứng kịp thời nguồn kính phí để xử lý các nhiệm vụ cấp bách, đột xuất phát sinh trên địa bàn như: phòng, chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh…
Thực tế, UBND quận, phường vẫn là đơn vị quản lý địa bàn dân cư nên phát sinh nhiều nhiệm vụ đột xuất mà không thế dự kiến đầy đủ trong dự toán ngân sách hàng năm. Trường hợp phát sinh, phải làm báo cáo, trình qua các cấp chờ phê duyệt dẫn đến thiếu tính kịp thời và chủ động thực hiện các nhiệm vụ phát sinh.
Ngoài ra, UBND quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách nên việc áp dụng các quy định pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cơ quan tài chính cùng cấp của UBND quận không còn là Phòng Tài chính -Kế hoạch nên không được thực hiện chỉ ngân sách bằng Lệnh chi tiền cho các nhiệm vụ của quận như chi bảo đảm hoạt động của Quận ủy, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Qua kết quả 3 năm thí điểm tổ chức CQĐT, Đà Nẵng có đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện chính thức tổ chức CQĐT và cần có những cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá có tính động lực, lan tỏa.
Vừa qua, Quốc hội thông qua Nghị quyết cho Đà Nẵng chính thức tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng từ ngày 1/1/2025. Nghị quyết gồm 4 chương, 18 điều, quy định về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng; đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết mới cho phép Đà Nẵng được tiếp tục thực hiện các chính sách theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 đang thực hiện có hiệu quả; điều chỉnh, bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp.
Đối với các chính sách về tổ chức CQĐT, trong 9 chính sách đề xuất có 7 chính sách tương tự các địa phương khác đã thực hiện và có 2 chính sách đề xuất mới. Trong đó, 7 chính sách tương tự các địa phương khác đã thực hiện, khi áp dụng tại Đà Nẵng thì sẽ giải quyết được các vấn đề vướng mắc cơ bản.
Đáng chú ý, Nghị quyết của Quốc hội thông qua cho Đà Nẵng 2 chính sách đề xuất mới theo thực tiễn quản lý của địa phương. Đó là UBND quận quyết định đối với nhiệm vụ theo quy định của pháp luật phải trình HĐND thành phố thông qua trước khi quyết định, hoặc trình UBND thành phố quyết định đối với các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật do HĐND quận quyết định theo thẩm quyền.
UBND phường quyết định theo thẩm quyền đối với nhiệm vụ theo quy định của pháp luật phải trình HĐND phường thông qua trước khi quyết định hoặc trình UBND quận quyết định đối với nhiệm vụ theo quy định của pháp luật do HĐND phường quyết định theo thẩm quyền.
Chính sách 2 là Quy định thẩm quyền của HĐND thành phố bãi bỏ văn bản của HĐND quận và phường ban hành trước ngày 1/7/2021 khi không còn phù hợp.
Cạnh đó, Nghị quyết còn thông qua cho Đà Nẵng 21 chính sách đặc thù phát triển bao gồm: 3 chính sách về quản lý đầu tư; 3 chính sách về tài chính, ngân sách nhà nước; 6 chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường; 1 chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược; 1 chính sách thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng; 5 chính sách về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyên thông, quản lý khoa học và công nghệ, đối mới sáng tạo; 2 chính sách về tiên lương, thu nhập.
Trong đó, 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù; 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của thành phố và 5 chính sách đề xuất mới.
Với những cơ chế mới, chính quyền TP. Đà Nẵng kỳ vọng sẽ thu hút được làn sóng đầu tư mới đến với địa phương này. |
Nổi bật như: việc thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP) được quy định, đó là ngoài các lĩnh vực quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa và đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng chợ.
Tổng mức đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng chợ không thấp hơn 100 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa do HĐND thành phố quy định. UBND thành phố ban hành giá dịch vụ cho thuê diện tích bán hàng tại chợ để đưa vào hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư…
Nghị quyết cũng quyết nghị việc thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu, có các khu chức năng được quy định tại Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại – dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định pháp luật. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới khu thương mại tự do Đà Nẵng…
Với Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính thức CQĐT và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng vừa được thông qua sẽ giúp Đà Nẵng phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế – xã hội của Đà Nẵng.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/de-tao-dot-pha-can-gia-i-quyet-die-m-nghen-153832.html