Điều đáng nói, mỗi lần công bố lỗ, điệp khúc tăng giá lại được đưa ra như một phương án duy nhất để giải quyết khoản lỗ của tập đoàn này.
Có thể thấy Việt Nam đã có thời gian dài thu hút đầu tư bằng lợi thế nhân công giá rẻ, giá điện cho sản xuất ở mức thấp. Giá điện càng rẻ càng thu hút công nghiệp ngốn nhiều điện, công nghệ lạc hậu, sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật và giá trị gia tăng thấp.
Như vậy vô hình trung giá điện thấp không tạo được sự khuyến khích trong đổi mới công nghệ, tiết kiệm điện.
Mặc dù giá điện rẻ là một ưu thế cạnh tranh của các nước đang phát triển, nhưng giá điện quá thấp sẽ khó thu hút đầu tư vào các nhà máy điện dẫn đến thiếu điện.
Đã có thời gian dài suốt bốn năm từ 2019 – 2022 giá điện đã không được điều chỉnh khiến nhiều chi phí đầu vào bị dồn tích.
Điều này tạo áp lực tăng giá, từ năm 2023 đến nay có tới ba lần phải điều chỉnh tăng giá điện.
Vì vậy, việc thực hiện đúng quy định về cơ chế điều chỉnh giá điện, để tránh tình trạng tăng giá liên tiếp như thời gian qua, là cần thiết để giảm các “cú sốc” về giá điện.
Việc tăng giá là xu hướng không tránh khỏi khi cơ cấu nguồn ngày càng sạch hơn, giá cao hơn. Nhưng một vấn đề đặt ra, đó là làm sao để ngành điện nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong đầu tư xây dựng, quản trị điều hành; làm sao để người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả hơn?
Cho nên việc tăng giá điện chỉ thật sự thuyết phục khi nguồn năng lượng này được làm ra và sử dụng trên cơ sở của tiết kiệm, hiệu quả tối ưu nhất.
Cần có một khung cơ chế chính sách hoàn thiện cho vận hành thị trường điện, giá điện, nâng cao hiệu quả đầu tư ngành điện. Ngành điện cũng cần tái cơ cấu hoạt động, nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, hiệu quả đầu tư để nỗ lực tiết giảm chi phí giá thành.
Đồng thời lựa chọn công nghệ phát điện tiên tiến, hiệu suất cao. Nâng cao cơ sở hạ tầng hệ thống điện, lưới điện thông minh.
Gắn với đó là việc đẩy mạnh tiết kiệm điện, cải tiến năng suất, hiệu quả sử dụng điện và giảm tổn thất điện năng. Điều này nhằm thực hiện mục tiêu tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng và tổn thất điện năng trên toàn hệ thống ở mức dưới 6% vào năm 2025.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tích cực tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải, giảm nhu cầu điện vào giờ cao điểm, với mục tiêu đạt ít nhất 1.500MW vào năm 2025. Khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà để đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu.
Khi 1kWh điện tiêu thụ tạo ra 1,6 USD GDP, rất cần có cơ chế chính sách để kích thích các ngành tiêu thụ ít điện năng nhưng tạo giá trị GDP cao, thay cho các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng.
Trong đó cùng với việc hoàn thiện cơ chế giá điện, sớm ban hành cơ chế giá điện hai thành phần, cần có các chính sách thuế sử dụng tài nguyên đối với những ngành tiêu thụ điện năng lớn, sử dụng công nghệ lạc hậu mà hiệu quả kinh tế thấp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/de-tang-gia-dien-thuyet-phuc-hon-20241017084727739.htm