(Tổ Quốc) - Sáng 10.12, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo "Văn học nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam - 80 năm đồng hành sáng tạo", nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).
Đề tài người lính- nguồn cảm hứng bất tận
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, chỉ sau 4 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 22.12.1944, đến tháng 7.1948, tại chiến khu Việt Bắc, Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời (tiền thân là Hội Văn hóa cứu quốc) do Bác Hồ sáng lập.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ văn nghệ sĩ được tôi luyện qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đã trưởng thành, lớn mạnh trong thời kỳ Đổi mới, luôn gắn bó với Đảng, với Nhân dân, đồng hành cùng dân tộc.
Trong hàng nghìn tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị suốt 80 năm qua, một mảng rất quan trọng, chiếm vị trí nổi bật, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật to lớn, chính là những tác phẩm thuộc nhiều loại hình, từ văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, mỹ thuật..., viết về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân, về anh bộ đội Cụ Hồ.
Hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ không chỉ là kết tinh phẩm chất cao quý của người lính: dũng cảm, hy sinh, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, chủ nghĩa nhân văn cao cả; tình đoàn kết, gắn bó keo sơn Quân - Dân, khát vọng Độc lập - Tự do. Hình mẫu nhân cách bộ đội Cụ Hồ là nền tảng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, bách chiến - bách thắng.
"Đây chính là cánh đồng đề tài rộng lớn, nguồn cảm hứng bất tận để các thế hệ văn nghệ sĩ sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật gắn liền với truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần làm giàu thêm dòng chủ lưu của văn nghệ cách mạng Việt Nam, ghi dấu ấn sâu đậm vào nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.
Trên cơ sở phân tích đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và thực tiễn sáng tác, quảng bá, nghiên cứu, lý luận phê bình về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, soi chiếu các giai đoạn cách mạng và sự phát triển của văn học nghệ thuật hiện nay, nhiều ý kiến tại Hội thảo đã khẳng định những thành tựu đã đạt được của văn học nghệ thuật ở mảng đề tài này là hết sức to lớn, quan trọng.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam chia sẻ, hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5), Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12), Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12)... cùng với ngành phát hành và phổ biến phim, Tổng cục Chính trị Điện ảnh Quân đội nhân dân thường tổ chức trọng thể những tuần phim kỷ niệm. Điều bất ngờ là những bộ phim khắc họa phẩm chất, sự hy sinh và tinh thần cống hiến của những người lính bộ đội Cụ Hồ, dù trong thời chiến hay thời bình, luôn mang lại cảm xúc sâu lắng.
Cho dù nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh và người lính đã từng sản xuất và phát hành phổ biến hàng chục năm trước đây khi được chiếu lại như: Hoa ban đỏ (1994), Biệt động Sài Gòn (1986), Hà Nội 12 ngày đêm (2002), Ký ức Điện Biên (2004), Đường thư, Giải phóng Sài Gòn, Dòng sông phẳng lặng (2005), Đừng đốt (2009), Mùi cỏ cháy (2012), Những người viết huyền thoại (2013), Sống cùng lịch sử (2014)... và nhiều bộ phim khác vẫn thu hút đông đảo người xem, đặc biệt là nhiều khán giả trẻ. Người muốn vào xem đứng chen nhau hàng giờ trên đường Lý Nam Đế và chật ghế ngồi, nhiều người còn phải đứng hoặc ngồi bệt trên sàn khán phòng. Nhiều bộ phim về người lính trong khói lửa chiến tranh hay trong đời thường hậu chiến đã đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Không chỉ là câu chuyện về sự hy sinh, lòng dũng cảm và phẩm chất của người lính, mà đó còn là một bức tranh sống động về những chiến công thầm lặng của QĐND Việt Nam qua các thời kỳ.
Chia sẻ về hình ảnh người lính thời bình qua bộ phim Không thời gian, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng: "Điều đặc biệt ở Không thời gian là sự kết hợp giữa quá khứ và hiện tại, khán giả không những được chứng kiến những cảnh chiến đấu ác liệt của người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ mà còn là những cuộc chiến khác trong thời bình, như thiên tai, dịch bệnh và công tác cứu nạn cứu hộ, những hình mẫu người lính thời hiện đại, đầy tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ tính mạng của nhân dân. Chính sự cống hiến, sự hy sinh không ngừng nghỉ của người lính bộ đội Cụ Hồ là thông điệp mà nhiều bộ phim sản xuất sau này muốn gửi gắm đến người xem".
Nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác
Qua sự gắn bó, đồng hành với các lực lượng vũ trang và dân tộc, 80 năm qua, văn nghệ sĩ các chuyên ngành và các thể loại đã có những sáng tác có giá trị, phong phú về nội dung, có chất lượng nghệ thuật, phục vụ kịp thời và có ý nghĩa lâu dài, lan tỏa trong công chúng trong và ngoài nước.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, sau khi Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập năm 1948, văn nghệ sĩ nô nức tòng quân lên đường tham gia các chiến dịch. Chiến tranh nhân dân và người lính cách mạng trở thành đề tài trung tâm của văn học nghệ thuật. Với thời gian, đề tài về người lính ngày càng được làm sâu sắc thêm trong ba mối quan hệ: tình yêu nước, tình đồng đội và tình quân dân. Sau đó, nền văn học nghệ thuật chống Mỹ được kế thừa một "gia tài" đồ sộ từ văn học nghệ thuật chống Pháp, và thơ ca vẫn là lĩnh vực tiên phong.
"Sát cánh cùng lớp trẻ, các nhà thơ lớp trước vững bước đi vào cuộc kháng chiến lần thứ hai với sự kết tinh mới. Đó là Tố Hữu với trường ca Non nước ngàn dặm, Chế Lan Viên với Những bài thơ đánh giặc, NguyễnĐình Thi với Chia tay trong đêm Hà Nội, Chính Hữu với Ngọn đèn đứng gác... Cuộc họp mặt “tam thế đồng môn” này tạo cho nền thơ hiện đại của chúng ta một diện mạo mới chưa từng có. Các nhà thơ chống Mỹ bám sát cuộc sống, lớn lên cùng cuộc sống, vừa xông xáo vào các đề tài thời sự, vừa gấp gáp tích lũy vốn sống, chuẩn bị cho những tác phẩm dài hơi. Và chẳng lâu sau khi chiến tranh kết thúc, một loạt trường ca của Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Thi Hoàng, Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Nhuận Minh, Trần Anh Thái, Y Phương... ra đời.
Trong các trường ca đó, tính sử thi và chất trữ tình kết hợp nhuần nhuyễn với tính bình luận và triết luận tạo nên một tổng phổ phức hợp cho mỗi tác phẩm. Sự xuất hiện của các trường ca mang tính tổng kết chiến tranh vừa khép lại một chặng đường, mở ra một chặng đường mới cho sự phát triển của thơ ca khi đất nước bước vào hai cuộc chiến tranh biên giới và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc"- nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định.
Theo các đại biểu, giai đoạn hiện nay là bước đệm quan trọng để các thế hệ văn nghệ sĩ tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng sáng tác, trau dồi, tích lũy vốn sống, đi sâu vào đề tài này để có những tác phẩm có giá trị tư tưởng về nghệ thuật cao hơn nữa, xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo các đại biểu, trong bối cảnh quốc gia và quốc tế hiện nay, đề tài về lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam cần bao quát đầy đủ các vấn đề xung quanh bảo vệ an ninh Tổ quốc (an ninh truyền thống) và an ninh phi truyền thống (an ninh con người, văn hóa, môi trường...) trên tầm nhìn của chủ nghĩa nhân văn, huy động sự chung sức của cộng đồng nhân loại.
Bên cạnh đó, cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác, trình độ tổ chức và quản lý sự nghiệp văn học nghệ thuật với những giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng và xu thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ trên tinh thần phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam, tiếp tục nêu cao hào khí của chủ nghĩa anh hùng cách mạng từ cội nguồn văn hiến, truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân văn của dân tộc Việt Nam qua trường kỳ lịch sử./.
Nguồn: https://toquoc.vn/de-tai-nguoi-linh-la-nguon-cam-hung-bat-tan-cua-van-nghe-si-20241210155805703.htm
Bình luận (0)