Ngày 5.7, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2023 – 2024.
Đây là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm tạo ra sân chơi khoa học bổ ích, thiết thực cho sinh viên, thúc đẩy sự phát triển của phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng học tập.
Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tiến – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng) đã trình bày báo cáo tổng kết hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2023 – 2024.
Theo đó, trong năm học 2023 – 2024, có 86 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, tăng 36,5% so với năm học 2022 – 2023, chất lượng đề tài cũng được nâng lên theo hướng thực chất, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết, với sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên nhà trường đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào như: giải Nhất Cuộc thi khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên lần thứ III do Hội Sinh viên Việt Nam Đại học Đà Nẵng phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng tổ chức; Giải Nhì vòng chung kết quốc tế Chiến dịch Smart Campus châu Á Thái Bình Dương.
Giải Ba Giải thưởng Khoa học công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2023; Giải Ba Giải thưởng Loa Thành lần thứ 35, năm 2023; Giải ba Cuộc thi Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam năm 2023 do Hội Tin học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức…
Bên cạnh những kết quả đạt được, nội dung báo cáo đã đề xuất một số biện pháp để khắc phục những hạn chế còn tồn tại và xác định hoạt động trọng tâm trong công tác sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2024 – 2025.
Nhằm khích lệ tinh thần sáng tạo và ghi nhận những thành quả trong nghiên cứu khoa học của sinh viên, nhà trường đã trao khen thưởng cho các nhóm sinh viên có đề tài đạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học, bao gồm: 8 giải Nhất, 8 giải Nhì và 9 giải Ba.
Là cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng, trong những năm qua, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật luôn chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhằm phát hiện, bồi dưỡng và phát triển các ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học có khả năng vận dụng vào thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Trước đó, vào ngày 3.7, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng cũng đã phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Quỹ châu Á (The Asia Foundation) và Công ty TNHH Giải pháp Acronics tổ chức lễ bế giảng Khóa đào tạo Thiết kế vi mạch cơ bản trên công nghệ FPGA (Front-End).
Khóa đào tạo lần này là một mô hình thiết thực và hữu ích mà thành phố Đà Nẵng có thể xem xét để nhân rộng trong thời gian tới. Việc hoàn thành Khóa đào tạo là kết quả bước đầu vô cùng quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của nhà trường.
Hiện TP. Đà Nẵng có 3 chính sách hỗ trợ cho ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, bao gồm: hỗ trợ vay vốn, học bổng cho sinh viên; thu hút chuyên gia đào tạo cho giảng viên, học viên và hỗ trợ về hạ tầng, đây là những tín hiệu hết sức lạc quan cho việc phát triển ngành vi mạch bán dẫn tại thành phố.
Khóa đào tạo Thiết kế vi mạch cơ bản trên công nghệ FPGA kéo dài hơn 3 tháng (từ ngày 8.3 đến ngày 20.6.2024) với 35 buổi học cùng sự tham gia của 30 học viên là giảng viên, sinh viên năm cuối thuộc các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/nhip-cau-giao-duc/de-tai-nghien-cuu-khoa-hoc-cua-sinh-vien-ngay-cang-dap-ung-nhu-cau-thuc-tien-i378508/