(NLĐO)- Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở KH-CN Thanh Hóa cho rằng bản chất của khoa học là tìm ra cái mới, không chắc chắn, có thể thành công, có thể thất bại, nhưng dù không thành công cũng có đóng góp để các nhà khoa học tránh đi vào… “vết xe đổ”
Chiều 9-7, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tiếp tục làm việc, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Tại phiên chất vấn, ông Trần Duy Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Thanh Hóa, cho biết với chức năng nhiệm vụ của Sở, ngoài việc thực hiện chuyển tiếp nhiệm vụ của những năm trước, trong giai đoạn 2020-2023, Sở KH-CN tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai mới 179 nhiệm vụ.
Trong 3 năm, có 130 nhiệm vụ cấp tỉnh được nghiệm thu, trong đó có 104 nhiệm vụ từ trước năm 2020 chuyển giao, từ 2020-2023 là 26 nhiệm vụ.
Theo ông Bình, rất nhiều nhiệm vụ sau khi nghiệm thu đã được áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của tỉnh.
Ông Bình cũng thừa nhận trong quá trình triển khai thực hiện, có 11 nhiệm vụ đã không đạt buộc phải dừng để thu hồi tiền về cho nhà nước, một số nhiệm vụ xin kéo dài và có 2 nhiệm vụ khi nghiệm thu không đạt. Ngoài những yếu tố khách quan, ông Bình cũng cho rằng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho khoa học còn thiếu, đã cũ kỹ.
“Bản chất của khoa học là tìm ra cái mới, không chắc chắn, có thể thành công, có thể không thành công, không có mục đích lợi nhuận ngay từ đầu mà phải qua nhiều bước. Trong đó, bước thử nghiệm thường có rủi ro nhiều nhất. Do vậy, đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng không thành công cũng là một đóng góp, để làm rõ hướng đi cho cộng đồng và cũng tránh cho các nhà khoa học sau này có thể tiếp tục nghiên cứu trùng lặp”- ông Bình nói.
Đã có nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi đề nghị Giám đốc Sở KH-CN làm rõ những đề tài khoa học mà Sở đang triển khai, trong đó có những đề tài chậm, kéo dài, có những đề tài không thành công, có những đề tài nghiệm thu nhưng hiệu quả ứng dụng thực tế thấp.
Đại biểu Trịnh Thị Hoa (Tổ đại biểu TP Thanh Hóa) đặt câu hỏi về việc trong 2 năm 2022 và 2023, Sở KH-CN được UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai nhiệm vụ mỗi năm 60 tỉ đồng, thế nhưng tỉ lệ thực hiện đạt thấp (năm 2022 là 29,4 tỉ đồng; năm 2023 là 28,4 tỉ đồng, nguyên nhân do đâu?.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Tưởng (Tổ đại biểu huyện Bá Thước) nêu ra trong số 179 đề tài của Sở KH-CN triển khai thì có gần một nửa là các đề tài chuyển giao từ Trung ương, hoặc của các địa phương khác, mà chưa có đề tài mang tính chiến lược riêng cho tỉnh.
Trả lời các câu hỏi của đại biểu, ông Trần Duy Bình cho rằng đề tài nhiều, nhưng chất lượng, tính mới, tính cấp thiết, tiên tiến không cao, trùng lặp nhiều. “Có những đề tài đề xuất từ năm này sang năm khác, nhưng tính khả thi không cao. Trong khi có nhiều đề xuất các sở, ngành địa phương, đơn vị lại không lựa chọn, dịch bệnh COVID-19 diễn ra nên cũng gặp nhiều khó khăn dẫn tới việc nghiệm thu đề tài còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra”- ông Bình cho hay.
Cũng theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, tiêu chí lựa chọn đề tài không được trùng lặp, nên có một vài đề tài có vài điểm trùng. Nên trong quá trình thẩm định cũng tạo điều kiện để kế thừa, giảm ngân sách. “Cái tên có thể không trùng, nhưng nội dung bên trong phải cải tiến đi để ứng dụng cho tỉnh có hiệu quả. Còn chuyển giao bên ngoài có bản quyền sẽ rất là khó. Nên cũng có cái chúng ta phải chuyển giao, làm chủ, bắt chước và chế tạo”- ông Bình thẳng thắn.
Giải trình thêm về vấn đề này, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, ngành KH-CN vẫn đang một số tồn tại, hạn chế.
Theo ông Giang, Thanh Hóa hiện nay có số lượng trí thức rất lớn với 236.000 người, trong đó có 38 phó giáo sư, 500 tiến sĩ, 2.500 thạc sĩ nhưng những người trí thức trực tiếp tham gia vào nghiên cứu ứng dụng vào công nghệ thì chưa nhiều. Thứ 2, số lượng doanh nghiệp KH-CN phát triển chưa tương xứng tiềm năng khi chúng ta có 38.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, nhưng mới có 32 doanh nghiệp được công nhận là KH-CN.
Ngoài ra, các đề xuất nhiệm vụ khoa học còn chưa đồng đều trên các lĩnh vực, có nhiều ngành, nhiều địa phương nhiều năm không đề xuất được một nhiệm vụ khoa học công nghệ nào.
Để khắc phục những tồn tại hạn chế, ông Lê Đức Giang cho rằng ngành KH-CN cần xóa bỏ tư duy hành chính hóa trong hoạt động KH-CN, chuyển từ tư duy quản lý máy móc cứng nhắc sang tư duy phục vụ doanh nghiệp, phục vụ các đơn vị, các nhà khoa học. Xây dựng sửa đổi bổ sung các quy định về xác định nhiệm vụ phê duyệt kinh phí, giảm bớt thủ tục hành chính, giảm bớt lãng phí thời gian công sức của nhà KH… Tôn vinh, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH-CN đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Nguồn: https://nld.com.vn/giam-doc-so-kh-cn-thanh-hoa-de-tai-khong-thanh-cong-nhung-cung-co-dong-gop-196240709190302856.htm