Các bạn 2005 đã chính thức bước vào giảng đường. Môi trường đại học có nhiều điều khác biệt so với bậc học phổ thông. Sinh viên cần đặc biệt lưu ý những gì để năm nhất đại học trở thành chặng đường khởi đầu có nhiều hào hứng và thành công?
Cái bẫy của tự do
Một trong những “mơ ước thành hiện thực” khi bước vào khung trời đại học chính là việc “thoát khỏi” sự quản lý giờ giấc của gia đình, nhất là đối với những bạn tân sinh viên đi trọ học xa nhà.
Thầy cô ở đại học (dù có chức danh cố vấn học tập hoặc giảng viên chủ nhiệm) cũng không siết chặt quản lý sinh viên như thầy cô ở bậc phổ thông.
Thêm nữa, với những luận điểm quen thuộc kiểu như “18 tuổi đã trưởng thành”, “18 tuổi đã chịu trách nhiệm trước pháp luật”, các chàng trai cô gái càng tự tin dấn thân trong hành trình “tìm đến tự do”. Đã có rất nhiều kế hoạch tràn đầy sinh khí được đề ra, chủ yếu để hiện thực hóa những mong mỏi của thời học sinh.
Tuy vậy, bên cạnh những thời khóa biểu khoa học, cân bằng giữa học hành, thư giãn và luyện tập thể thao, hay những kế hoạch hữu ích như đăng ký các khóa học/chuyên đề ngắn hạn, tham gia các câu lạc bộ kỹ năng, trau dồi năng lực ngoại ngữ thì vẫn không hiếm những trường hợp các bạn sa đà vào việc thỏa mãn niềm đam mê nhất thời, thả nổi chuyện học hành, xem nhẹ việc nâng cao vốn liếng kỹ năng.
Miệt mài say mê chinh phục kiến thức mới là con đường quan trọng nhất trong giai đoạn này. (Ảnh: Trần Xuân Tiến) |
Có lẽ, chúng ta nên biết thêm một thông tin rằng: mỗi năm, có thật nhiều tân sinh viên nhập học, thì song song đó, cũng có nhiều sinh viên bảo lưu kết quả học tập, bỏ học giữa chừng vì nhiều lý do.
Một trong số đó là do các bạn đã không làm chủ được sự ham chơi, biếng lười của bản thân. Đừng để cái bẫy của sự tự do thâu tóm.
Dành thời gian để khám phá thành phố đi đó đi đây, trải nghiệm những niềm vui thanh xuân tuổi trẻ, nhưng hãy nhớ lấy việc học làm trung tâm cho tất cả các hoạt động.
Miệt mài say mê chinh phục kiến thức mới là con đường quan trọng nhất trong giai đoạn này. Sự tỏa sáng rực rỡ của tương lai, là do chúng ta biết tích cóp từ những bóng tối âm thầm nỗ lực của hiện tại.
Làm thêm thông minh
Đã qua rồi thời kỳ xã hội tranh luận sôi nổi liệu rằng sinh viên có nên đi làm thêm, liệu việc đi làm thêm có ảnh hưởng, tác động như thế nào đối với quá trình học tập của sinh viên.
Thực tế cho thấy, dường như, tỷ lệ sinh viên làm thêm tăng dần theo các năm, ở cả khu vực các trường tư lẫn trường công.
Nếu trước đây, mục đích chủ yếu khiến sinh viên quyết định tìm việc làm thêm là kiếm thêm thu nhập, nhằm trang trải học phí, cùng chi phí ăn ở sinh hoạt; thì ngày nay, nguyên nhân đa dạng hơn rất nhiều.
Khám phá năng lực bản thân, tăng cường khả năng giao tiếp, hoàn thiện kỹ năng làm việc nhóm, kéo gần môi trường thực hành các lý thuyết được học, trải nghiệm môi trường công sở, kết nối các cơ hội nghề nghiệp tương lai, xây dựng thương hiệu cá nhân, thỏa sức đam mê sáng tạo… là hàng loạt những lợi ích mà sinh viên ngày nay có được từ quá trình làm thêm.
Ngoài ra, một lợi thế của sinh viên hiện nay là không gian thông tin truyền thông nói chung, mạng xã hội nói riêng, mở hơn bao giờ hết. Điều này đã giúp quá trình làm thêm trở nên dễ dàng, thuận tiện.
Song, mặt khác của thực tế cũng cho thấy, nhiều sinh viên lầm tưởng sự thành công tạm thời trong quá trình đi làm thêm là tiêu chí, là thước đo của sự thành công so với mục tiêu hoàn thành chương trình đại học.
Thành công bền vững cần có nền tảng kiến thức vững chắc – điều mà đại học cung cấp cho sinh viên một cách khoa học, thông qua hệ thống các chương trình đào tạo được thiết kế công phu, kiểm định rõ ràng và đội ngũ giảng viên trải qua trường lớp, nghiệp vụ.
Chúng ta chớ vội cuốn vào những câu chuyện “bỏ đại học, khởi nghiệp thành công”. Những trường hợp đó hoàn toàn có, nhưng không nhiều, nếu không muốn nói là thiểu số.
Hãy thận trọng suy xét, để không cảm thấy hoài tiếc về một chặng đường đại học với nhiều kỳ vọng và cố gắng.