Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 – Bộ Công an) thông tin, trong năm 2023, tình hình tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm tại nước ta vẫn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, chuyển hướng, tuyến hoạt động để tránh sự kiểm soát, phát hiện và bắt giữ của lực lượng chức năng. Một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay các tỉnh sát biên giới Campuchia, Lào, là những điểm “nóng” về ma túy.
Mới đây, ngày 22.11, C04 Bộ Công an cho biết đã khởi tố các bị can trong đường dây sản xuất ma túy do nữ DJ Nguyễn Thị Hoài (31 tuổi, trú Q.1, TP.HCM) cầm đầu, thu giữ 217 kg ma túy tổng hợp các loại, 208 kg vỏ bao bì cùng nhiều dụng cụ, phương tiện dùng pha trộn, đóng gói, vận chuyển ma túy. Ước tính số bao bì của các nghi phạm có thể đóng được khoảng 1 tấn ma túy “nước vui”.
Theo đó, “nước vui” là loại ma túy mới có xuất xứ từ nước ngoài, thành phần chủ yếu là Amphetamine và Metamphetamine, có tác dụng kích thích thần kinh. Ở các bar, vũ trường, “nước vui” được bán giá 1,2 – 1,5 triệu đồng/lọ. Khi sử dụng, dân chơi sẽ hòa vào khoảng 2 lít nước giải khát có gas để tạo thành thức uống mới tạo cảm giác hưng phấn, vui vẻ kéo dài…
Đáng chú ý, để tránh bị phát hiện, Hoài cùng đồng phạm mua bán ma túy qua mạng xã hội, chuyển tiền qua ngân hàng và thuê các công ty vận chuyển nhanh để vận chuyển nguyên liệu, phụ gia, bao bì để đóng gói “nước vui” ở kho tại TP.HCM. Nhóm này thường xuyên thay đổi vị trí kho và nơi sản xuất để tránh lực lượng chức năng.
Để triệt phá được đường dây này, C04 đã huy động hơn 200 cảnh sát, chia thành 18 tổ để giám sát, theo dõi các nghi can và 7 điểm pha chế, đóng gói, cất giấu.
Sau 3 tháng liên tục theo dõi (từ tháng 3.2023 – 6.2023), Ban chuyên án mới bắt được các bị can trong đường dây để điều tra làm rõ.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Minh Đức bày tỏ sự quan ngại trước thực trạng xuất hiện hình thức vận chuyển ma túy thông qua các đơn vị vận chuyển hoặc qua các shipper công nghệ.
Theo ông Đức, sự bùng nổ của công nghệ và nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao chính là 2 yếu tố thúc đẩy sự phát triển dịch vụ giao hàng nhanh và các nghi phạm mua bán ma túy lợi dụng dịch vụ này để giao hàng. Thực tế mà nói, các công ty giao hàng, các shipper có thể là nạn nhân, bị các nghi phạm buôn bán trái phép chất ma túy lợi dụng, biến thành người giao hàng cấm.
Ông Đức giải thích: “Hiện nay, trên các ứng dụng cung cấp dịch vụ giao hàng, người gửi chỉ cần khai báo loại hàng hóa, khối lượng. Các shipper đôi khi không kiểm tra kỹ hàng hóa, dẫn đến bỏ lọt hàng cấm, ma túy”.
Vị này nói thêm, đối với một số loại hàng hóa như thực phẩm đã được đóng gói, nếu shipper mở ra kiểm tra thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm. Do đó, ông Đức đề xuất các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển nên khuyến cáo shipper phải nâng cao cảnh giác, đánh giá tình trạng hàng hóa khi giao nhận hàng để quyết định nên hay không nên nhận giao bưu phẩm.
“Điển hình như khi nhận một mặt hàng đồ khô, kiểm tra sơ bộ thấy việc mở ra kiểm tra không ảnh hưởng gì đến hàng hóa thì shipper có thể đề nghị người gửi cho phép kiểm tra hàng hóa bên trong rồi chụp hình lại. Còn đối với các mặt hàng khác như thực phẩm chức năng, nước uống, các đơn vị vận chuyển cần phải xây dựng điều khoản ràng buộc, yêu cầu người gửi cam kết hàng hóa không thuộc danh mục cấm vận chuyển và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai hàng hóa của mình”, ông Đức chia sẻ.
Theo ông Lê Minh Đức, hiện nay, phòng chống ma túy là một trong những vấn đề mà các cấp chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội đang quan tâm, thường xuyên quan tâm, tìm giải pháp.
Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM cũng đề xuất các cấp chính quyền cần mạnh tay, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.
“Đặc biệt là các shipper phải luôn đề cao cảnh giác trong việc vận chuyển hàng hóa để ngăn ngừa tối đa tình trạng vận chuyển hàng cấm. Nếu trong quá trình giao hàng có nghi ngờ đó là hàng cấm, ma túy thì phải chủ động trình báo cho cơ quan chức năng, công an để giảm trừ trách nhiệm hình sự”, ông Đức nhấn mạnh.
Đối với lực lượng công an, ông Đức nhấn mạnh, trong quá trình điều tra, truy xét, cần cố gắng làm rõ thủ đoạn, biện pháp của tội phạm, từ đó có các giải pháp đấu tranh để giảm thiểu tình trạng lợi dụng dịch vụ giao hàng công nghệ để vận chuyển hàng cấm. Đồng thời có thêm tư liệu để tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác, tăng cường ý thức tố giác tội phạm.
Lãnh đạo C04 nói thêm, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ trong hàng hóa vận chuyển có chất cấm, hàng cấm, người vận chuyển cần thông báo ngay với lực lượng chức năng để xác minh, làm rõ.