Tăng cường quan trắc, thông báo kịp thời đến các tổ chức, người dân ứng phó với những đợt xâm nhập mặn tăng cao bất thường trong các tháng còn lại của mùa khô 2024-2025. Trong ảnh: Trạm thủy văn Mỹ Thuận. |
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn trong nước, xâm nhập mặn (XNM) mùa khô năm nay (2024-2025) ở ĐBSCL (trong đó có tỉnh Vĩnh Long) không xảy ra gay gắt như 2 mùa khô 2015-2016 và 2019-2020. Tuy nhiên, diễn biến về nguồn nước, XNM từ đầu mùa khô đến nay đã có những bất thường so với cùng kỳ các năm trước; các tổ chức và người dân cần tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống để đề phòng rủi ro, thiệt hại đến sản xuất và dân sinh.
Xâm nhập mặn đến sớm hơn 1,5 tháng
Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, XNM ở ĐBSCL đã xuất hiện ở mức cao ngay trong kỳ triều cường từ ngày 24-30/12/2024, sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 1,5 tháng và đã gia tăng đột biến trên các cửa sông Cửu Long so với cùng kỳ các năm 2015, 2023.
Tại Vĩnh Long, theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, từ ngày 27-31/12/2024, mặn đã xuất hiện trên sông Cổ Chiên thuộc địa bàn huyện. Ngày 27/12, độ mặn đo được tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông) là 2,7‰, tại vàm Măng Thít (xã Quới An) là 2,6‰; độ mặn lên mức cao nhất vào 2 ngày 28, 29/12: tại cống Nàng Âm, vàm Vũng Liêm là 4,5‰ và tại vàm Măng Thít là 2,7‰.
Kế đến, trong đợt triều cường vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua (từ ngày 27/1-1/2/2025), độ mặn ở vùng ven biển ĐBSCL tiếp tục lên ở mức cao, ranh mặn 4‰ ở các cửa sông Cửu Long cách biển từ 42-60km.
Theo kết quả quan trắc của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, độ mặn cao nhất xuất hiện ngày 28/1 ở mức xấp xỉ và cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 từ 0,1-2,1‰. Cụ thể, trên sông Cổ Chiên, độ mặn tại vàm Bình Thủy (xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, cách cửa biển 42km) đo được là 6,1‰; tại cống Nàng Âm (cách cửa biển 50km) là 5,8‰; tại vàm Măng Thít (cách cửa biển 60km) là 4,5‰. Trên sông Hậu, độ mặn tại xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn, cách cửa biển 55km) là 0,9‰; tại vàm Trà Ôn (TT Trà Ôn, cách cửa biển 65km) là 0,3‰.
Cũng theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, trong tuần từ ngày 7-13/2/2025, xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) về hạ lưu dao độ trong khoảng từ 632-642 m3/s, là tuần xả nước thấp nhất từ đầu mùa kiệt năm nay.
Các hồ chứa trên lưu vực sông Mekong thuộc Trung Quốc có dung tích điều tiết là 19,76 tỷ m3, tương đương với 83,1% tổng dung tích hữu ích. Các hồ chứa thuộc hạ lưu vực sông Mekong có 67,8% tổng dung tích hữu ích. Tổng dung tích nước có thể điều tiết vào mùa kiệt năm 2024-2025 trên lưu vực sông Mekong hiện tại vào khoảng 48,02 tỷ m3.
Tại ĐBSCL, ranh mặn 4‰ khi vào sâu nhất cách biển từ 37-48km trên các nhánh sông Cửu Long. Ở Vĩnh Long, từ ngày 7-15/2, độ mặn cao nhất xuất hiện ngày 11/2 tại vàm Bình Thủy là 3,2‰, tại cống Nàng Âm là 3,2‰, tại vàm Măng Thít 0,4‰, tại xã Tích Thiện là 0,4‰.
Đề phòng xâm nhập mặn xảy ra bất thường
Theo Bộ TN-MT, mức độ hạn mặn hàng năm ở ĐBSCL phụ thuộc chính từ dòng chảy thượng lưu về đồng bằng; trong đó điều tiết các hồ chứa thượng lưu có vai trò cực kỳ quan trọng đến phạm vi ảnh hưởng XNM, nguồn nước ở đồng bằng.
Riêng đối với mùa khô năm nay (năm 2024-2025), ở vùng ĐBSCL, dự báo tổng lượng nước về trạm Tân Châu và Châu Đốc từ 137-143 tỷ m3, xấp xỉ TBNN và thấp hơn mùa cạn năm 2023-2024 khoảng 5%. Trong các tháng cao điểm của mùa khô 2024-2025 (từ tháng 1-4/2025), dự báo tổng lượng dòng chảy qua trạm Tân Châu và Châu Đốc từ 48,9-51 tỷ m3, thấp hơn so với TBNN từ 2-6% nhưng cao hơn cùng kỳ mùa cạn năm 2023-2024 khoảng từ 7-11%.
XNM cao điểm có khả năng tiến sâu vào các cửa sông trên lưu vực sông Cửu Long trong các đợt triều cường từ tháng 2-4/2025 với ranh mặn 4‰ xâm nhập vào sâu cách các cửa sông chính như: sông Tiền khoảng từ 35-50km (thấp hơn khoảng 10-15km so với năm 2024), sông Hậu khoảng từ 42-50km (thấp hơn khoảng 7-12km so với năm 2024), sông Hàm Luông khoảng từ 45-60km (thấp hơn khoảng 5-10km so với năm 2024), sông Cổ Chiên khoảng từ 40-50km (thấp hơn khoảng 5-10km so với năm 2024) và sông Cái Lớn khoảng từ 40-50km (thấp hơn khoảng 5-10km so với năm 2024).
Nhìn chung, nguồn nước đến vùng ĐBSCL cơ bản sẽ đáp ứng đủ các nhu cầu sử dụng cho sinh hoạt, an sinh xã hội, kinh tế và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ xảy ra thiếu nước cục bộ với nguyên nhân chủ yếu do XNM và hệ thống các công trình thủy lợi, hệ thống các công trình cấp nước tập trung chưa được hoàn thiện đồng bộ. Do đó, vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Cũng theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, việc xả nước thấp nhất tuần từ ngày 7-13/2/2025 từ thủy điện Cảnh Hồng nêu trên sẽ ảnh hưởng đến các vùng ven biển ĐBSCL vào đúng kỳ triều cường đầu tháng 2 âl tới; dự báo XNM có thể đạt đỉnh lớn nhất từ đầu mùa khô trong thời gian từ ngày 28/2-4/3/2025, ranh mặn 4‰ ảnh hưởng sâu nhất trên các cửa sông khoảng 45-62km.
Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng hạn mặn dụng cụ chứa nước ngọt. Ảnh tư liệu |
Ở Vĩnh Long, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, XNM trên địa bàn tỉnh từ nay đến hết tháng 3/2025 tiếp tục duy trì ở mức cao. Trong đó, độ mặn cao nhất trong tháng 2 trên sông Cổ Chiên thuộc địa bàn huyện Vũng Liêm từ 3-5‰, trên sông Hậu thuộc địa bàn huyện Trà Ôn từ 0,3-1,3‰; độ mặn cao nhất trong tháng 3 trên sông Cổ Chiên thuộc địa bàn huyện Vũng Liêm từ 4,5-7‰ và trên sông Hậu thuộc địa bàn huyện Trà Ôn từ 1-4,5‰.
Tình hình XNM còn diễn biến khó lường, vì vậy các cơ quan, ban, ngành và người dân trong vùng ĐBSCL (trong đó có tỉnh Vĩnh Long) cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo và tiếp tục triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó kịp thời với tình trạng khô hạn, thiếu nước, XNM nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống của người dân.
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH
Nguồn: https://baovinhlong.vn/tin-moi/202502/de-phong-xam-nhap-man-gia-tang-bat-thuong-e4b072a/
Bình luận (0)