Gần 30 năm chinh phục tre làng
Dọc đường ven sông Phổ Lợi, đoạn ngang làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), tiếng “cạch, cạch” của chiếc dùi chạm vào cây tre vang vọng khắp nơi.
Bên trong, một người đàn ông đang căng mắt đục đẽo từng chi tiết nhỏ như que tăm. Đó là nghệ nhân Đoàn Minh Căn (57 tuổi), người được mệnh danh “Đệ nhất lồng chim xứ Huế” với những chiếc lồng chim tinh xảo.
Sinh ra và lớn lên trong làng có truyền thống làm nghề mộc, chạm khắc, ngay từ nhỏ, ông đã bén duyên với nghề. Sau khi học hết phổ thông, ông bắt đầu học nghề điêu khắc với nghệ nhân Lê Đăng Duân.
Một thời gian, ông làm công cho một xí nghiệp mộc mỹ nghệ. Năm 1985, ông về nhà mở xưởng làm hàng mộc dân dụng. Quyết nâng cao tay nghề, ông đến xưởng chạm khắc của nghệ nhân Phan Thế Huề.
Đến năm 1989, về lại xưởng nhà, ông vừa làm vừa nhận thợ đào tạo nghề. Trong thời gian này, có đến hàng chục thợ mộc dân dụng, chế tác, điêu khắc thạo nghề từ sự hướng dẫn của ông.
Càng ngày, nguồn gỗ càng trở nên khan hiếm, công việc điêu khắc của ông cũng bị ảnh hưởng. Ông luôn trăn trở về một hướng đi riêng cho nghề của mình. Lúc này, nhìn xung quanh nhà, đâu cũng thấy cây tre nên ông chợt nghĩ: “Tre!”.
Bắt tay vào thử nghiệm, ông nhận ra đặc tính của tre khác gỗ rất nhiều, gỗ có thể đục cả chiều ngang lẫn dọc, còn tre chỉ có thể đi chiều dọc theo khứa. “Tre chỉ cần lệch tay, hay lực mạnh một tí là toác ngay”, ông Căn thổ lộ.
Những đồ nghề dành cho gỗ cũng không thể dùng được trên tre, nên ông cũng phải tự tay làm ra với hàng trăm thứ đục, kẹp, khoan, cưa chuyên dụng.
Dần dà, ông còn phát hiện ra nhiều “cá tính” khác của tre và nắm bắt cách điều khiển tay đục đi những nét mềm mại và nhỏ nhất. Ông “chinh phục” được cây tre và chiếc lồng chim đầu tiên ra đời.
Bắt tre làng “hóa” rồng, phượng
Đỉnh điểm năm 2009, tại Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ở Huế, nhiều người kinh ngạc trước một chiếc lồng chim có tên “Thập nhị hoa giáp quần tiên” được chế tác hết sức công phu.
Chiếc lồng chim ấy cũng mang về cho ông giải nhất tại Hội thi hàng thủ công Việt Nam. Chiếc lồng này là độc bản và sau đó được bán với giá vài nghìn USD.
Đưa chúng tôi xem chiếc lồng chim vừa hoàn thành, ông Căn chia sẻ, mỗi tác phẩm đều là độc bản vì hoàn toàn được chạm bằng tay, không thể giống nhau.
Trên chiếc lồng chim, độ tinh xảo của từng nét chạm hiện rõ. Chiếc móc treo lồng tạo dáng rồng, phượng mềm mại. Chân lồng chạm trổ các vị thần tiên, dưới đáy lồng là bức phù điêu. Đến cả chiếc lọ cho chim ăn cũng được chạm trổ, rồng, phượng hết sức tỉ mỉ.
Để có một lồng chim đẹp, cầu kỳ và tinh xảo đến từng chi tiết, nghệ nhân phải mất nhiều thời gian. Có những chiếc lồng phải 3-4 tháng mới hoàn thành.
Nghệ nhân Căn không nhớ rõ đã làm bao nhiêu chiếc lồng chim, chỉ biết sản phẩm của mình có mặt ở khắp nơi cả trong nước và nước ngoài.
Điều đặc biệt, những chiếc lồng đưa đến bạn bè quốc tế, ông đều lồng ghép hình ảnh làng quê với khát vọng quảng bá văn hóa người Việt Nam.
Mỗi chiếc lồng chim của ông Căn có giá vài chục triệu đồng, những chiếc mang đi triển lãm có giá vài trăm triệu đồng. Xưởng của ông cũng tạo việc làm cho nhiều lao động trong làng với mức thu nhập ổn định.
Ông tâm sự lý do mình dạy gần cả trăm học trò từ trước giờ mà không giấu nghề làm kế sinh nhai bởi ông mong sau thế hệ ông sẽ có một làng nghề được lưu truyền nơi Cố đô Huế.
Trong suốt sự nghiệp làm nghề của mình, ông đã đạt rất nhiều danh hiệu lớn, nhỏ khác nhau và được công nhận Nghệ nhân ưu tú vào năm 2020.