Thời gian qua, nhiều hoạt động kết nối chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của địa phương vào các kênh bán lẻ đã được triển khai. Trong đó, có các điểm bán hàng OCOP tại khu du lịch, siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn Đồng Nai.
Người tiêu dùng tham khảo, chọn mua các sản phẩm OCOP của Đồng Nai tại siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà |
Dù nhiều sản phẩm OCOP đã lên kệ hàng nhưng mục đích chủ yếu vẫn là để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Sức tiêu thụ thực tế của các sản phẩm này còn khá khiêm tốn.
* Sức mua còn thấp
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương), trong thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai một số điểm bán hàng OCOP tại Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa), Khu du lịch Thác Đá Hàn (H.Trảng Bom), Siêu thị Co.opmart Biên Hòa, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất).
Ngoài ra, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh như: BigC Đồng Nai, GO! Tân Hiệp, Lotte Mart Đồng Nai… đã bố trí các gian hàng dành riêng cho đặc sản của các địa phương trên cả nước, trong đó có các sản phẩm OCOP của Đồng Nai. Các gian hàng trên chủ yếu giới thiệu, còn doanh thu rất thấp. Thậm chí, một số điểm bán hàng OCOP tại các khu du lịch hiện chỉ hoạt động cầm chừng vì những điểm bán hàng này mở ra đúng vào đợt dịch Covid-19, sức mua thấp, chưa đủ thu hút khách du lịch.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai Trần Đăng Ninh chia sẻ, các điểm bán hàng ở các khu du lịch chủ yếu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP tại các điểm bán hàng trên gặp nhiều khó khăn như: hoạt động du lịch thường theo mùa nên cần có sự phân bổ, lựa chọn sản phẩm để bày bán phù hợp; việc quản lý điểm bán thiếu đơn vị chuyên trách; nhiều sản phẩm chưa thực sự bắt mắt, chưa đánh trúng thị hiếu, tâm lý du khách…
Tương tự, tại nhiều điểm bán, kệ hàng sản phẩm OCOP ở các siêu thị, các sản phẩm OCOP địa phương dù được trưng bày ở những vị trí khá đẹp, gần lối ra vào nhưng đa phần nhằm quảng bá, giới thiệu, còn sức mua vẫn chưa cao.
Giám đốc Big C Đồng Nai Lê Văn Hồng cho hay, siêu thị đang duy trì gian hàng các sản phẩm OCOP khá thuận tiện cho khách hàng đến lựa chọn, mua sắm sản phẩm. Gian hàng hiện có hơn 20 sản phẩm đến từ Đồng Nai nhưng sức tiêu thụ chưa cao, thi thoảng mới có khách mua do nhiều sản phẩm OCOP chưa được nhiều người ưa chuộng. Đồng thời, có ít chương trình khuyến mãi, kích cầu được các chủ thể OCOP triển khai để thu hút người tiêu dùng.
Ông Trang Phúc, đại diện bộ phận Marketing Co.opmart Biên Hòa cho biết, nhiều sản phẩm OCOP vẫn chưa đánh trúng tâm lý người tiêu dùng, thiếu các hoạt động khuyến mãi hấp dẫn, nhất là vào các đợt cao điểm mua sắm.
* Cần đầu mối kết nối
Nhiều ý kiến người tiêu dùng cho rằng, nhiều sản phẩm OCOP của địa phương tại các gian hàng ở các siêu thị trong tỉnh có bao bì, mẫu mã đơn điệu, thiếu điểm nhấn, sáng tạo và cần thêm nhiều hoạt động khuyến mãi, tiếp thị hấp dẫn hơn nữa. |
Để có thể cạnh tranh và thu hút sự chú ý từ khách hàng, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm thì khâu tiếp thị dành cho các sản phẩm là vô cùng cần thiết, đặc biệt là hoạt động kết nối, khuyến mãi ở các các kênh phân phối, bán lẻ hiện đại, các điểm, gian hàng OCOP…
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) Nguyễn Thị Bích Lệ cho biết, hiện HTX đã kết nối được 5 sản phẩm OCOP gồm: bột ngũ cốc, hạt sen sấy bơ, bột sen dinh dưỡng, trà tim sen, trà lá sen vào các gian hàng OCOP tại những siêu thị ở Đồng Nai. Cùng với đó, HTX tăng cường các hoạt động khuyến mãi, tặng kèm các sản phẩm phụ khi khách hàng mua sắm các sản phẩm OCOP này nhằm thu hút, kích cầu tiêu dùng.
Việc kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa địa phương vào các kênh bán lẻ hiện đại muốn đạt được hiệu quả thì rất cần sự đồng bộ từ cả phía DN sản xuất, cung ứng hàng hóa và các đơn vị bán lẻ dưới sự hỗ trợ, kết nối từ phía các sở, ngành liên quan.
Ông Trần Đăng Ninh góp ý: “Muốn biết chợ đông thì cần phải ra chợ. Do đó, để các điểm bán này phát huy hiệu quả, thu hút được khách hàng thì các chủ thể OCOP cần nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng tốt hơn. Bên cạnh đó, cần có một đơn vị, doanh nghiệp đầu mối dưới sự quản lý, hỗ trợ từ cơ quan chức năng để có thể điều phối, kết nối hàng hóa một cách phù hợp từ các điểm bán hàng OCOP, cũng như đảm bảo chất lượng, bảo quản được sản phẩm, nhất là các loại nông sản, sản phẩm tươi…”.
Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai trong thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác kết nối cung – cầu các sản phẩm OCOP vào các siêu thị, chợ đầu mối, từng bước nâng cao sức mua cho các gian hàng, điểm bán hàng OCOP. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá để người tiêu dùng biết đến các sản phẩm OCOP của Đồng Nai nhiều hơn, cũng như xem xét việc đưa các sản phẩm OCOP của địa phương vào bày bán tại các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam một cách phù hợp…
Hải Quân
.