Đề án còn tính đến cả chuyện tạo điều kiện cho con em của những người dân đã nhường đất có “suất” làm việc tại đây.
Được làm việc tại sân bay được đánh giá hiện đại bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á là niềm mơ ước của rất nhiều người, nhất là người ở địa phương. Theo Cục Hàng không Việt Nam, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động dự kiến sẽ cần 13.769 người lao động.
Thế nhưng ngành hàng không có tính đặc thù, cũng như đòi hỏi về tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn rất cao khi tuyển dụng. Việc đào tạo không phải đơn vị nào cũng có thể làm được vì phải được Cục Hàng không cấp phép. Tính đến thời điểm này, mới có 25 đơn vị trên cả nước được cấp phép đào tạo.
Trước những bài toán trên, Đồng Nai đang cố gắng đưa ra lời giải. Một trong những hướng đi mà “chủ nhà” hướng tới là mở trường đào tạo nghề chuyên sâu về ngành hàng không ngay tại địa phương. Vì nếu tại Đồng Nai có những cơ sở đào tạo như vậy sẽ là lợi thế cho con em trong tỉnh, giảm bớt được chi phí trong quá trình theo học.
Thế nhưng đó là trên lý thuyết, là mong muốn của lãnh đạo Đồng Nai. Muốn hiện thực hóa được điều này, còn tùy thuộc nhiều yếu tố.
Việc kêu gọi tư nhân đầu tư sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, đồng thời tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn phải lưu ý một số yếu tố. Cụ thể, cần xác định rõ nhu cầu nhân lực cụ thể của từng khâu, từng lĩnh vực trong ngành hàng không để có kế hoạch đào tạo phù hợp. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương để triển khai kế hoạch hiệu quả, tránh trường hợp con em của những người nhường đất cho sân bay Long Thành rơi vào cảnh “có tiếng nhưng không có miếng”.