Chiều 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh nhóm chính sách thành công, mang lại hiệu quả tích cực đối với nền kinh tế là chính sách giảm thuế VAT 2%. Trong Báo cáo cũng đã chỉ ra rõ nguồn lực dành cho cái chính sách này. Tuy nhiên, Quốc hội cần có sự đánh giá rõ thêm hiệu quả của chính sách mang lại.
Đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, ngoài những nhận định mà chúng ta thấy rõ ràng là chính sách đã góp phần kích cầu nền kinh tế, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chính sách giảm thuế VAT 2% còn góp phần vào tăng thuế thu nhập cho doanh nghiệp. Do vậy, đại biểu Trần Anh Tuấn đề nghị chính sách giảm thuế VAT 2% tiếp tục được kéo dài trong thời gian tới.
Chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại không đi vào cuộc sống
Cũng tại buổi thảo luận, đại biểu Vũ Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu, về việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Đại biểu Vũ Tuấn Anh cho biết, đây là giải pháp rất quan trọng để giảm giá thành, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào phục hồi phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, kết quả thực hiện từ đầu chương trình đến hết năm 2023 mới đạt được khoảng 3,05% quy mô chính sách. Có thể thấy chính sách này hầu như không đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.
Bên cạnh các nguyên nhân dẫn đến chính sách này không đi vào cuộc sống như Đoàn giám sát đã nêu, dư nợ tín dụng đến tháng 12/2021 ở mức 10,4 triệu tỷ đồng, với mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 và năm 2023 khoảng 14%/năm. Cùng với đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn tới các khoản tín dụng phát sinh thuộc đối tượng của chính sách không lớn.
Qua thực tiễn cho thấy, nguyên tắc thực hiện chính sách theo Nghị định 31 của Chính phủ chưa phù hợp, chưa rõ ràng. Hướng dẫn của các cơ quan chức năng cũng chưa đầy đủ, rõ ràng, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên dư nợ tín dụng đang ở mức cao, trong khi điều kiện vay vốn được hỗ trợ lãi suất rất chặt chẽ, để đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh không đảm bảo điều kiện để vay hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, kiểm toán như Đoàn giám sát đã nêu, nên khi được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, mặc dù đủ điều kiện cũng không đề nghị được hỗ trợ lãi suất. Đại biểu cho rằng, doanh nghiệp rất mong muốn được hỗ trợ lãi suất tín dụng theo chính sách của nhà nước, song vì một số lý do trên nên việc triển khai không đạt kỳ vọng. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm khi đưa ra chính sách tương tự trong giai đoạn tiếp.
Thứ hai, đối với chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã 5 lần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao danh mục mức vốn, với mức tối đa theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, việc giao vốn của chương trình còn chậm, kết quả giải ngân vốn các dự án mới đạt 61% (đến hết tháng 1/2024) so với tổng vốn ngân sách trung ương được bố trí.
Theo đại biểu, việc chậm giải ngân vốn dẫn đến các dự án quan trọng chậm đưa vào sử dụng làm chậm phát huy hiệu quả kinh tế xã hội. Bên cạnh nguyên nhân Đoàn giám sát nêu, nguyên nhân chính là ngay từ khâu lựa chọn dự án đưa vào chương trình đã không đảm bảo yêu cầu đặt ra là giải ngân trong 2 năm 2022 và 2023; hầu hết dự án đưa vào chương trình là dự án khởi công mới nên mất thêm thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư dẫn đến giao vốn chậm và triển khai dự án chậm so với yêu cầu. Đại biểu đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân để xảy ra tình trạng này. Để tránh lãng phí và bảo đảm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo hai nội dung: Thứ nhất, đối với trường hợp dự án đến nay chưa khởi công hoặc chưa giải ngân cần tạm dừng triển khai các dự án này. Thứ hai, trường hợp có dự án phải giải ngân sang năm 2025, số vốn chuyển sang giải ngân trong 2025 cần được trừ tương ứng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn 2026-2030 để đảm bảo công bằng giữa các địa phương.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ý kiến tập trung phân tích kết quả được, bất cập, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm trong việc thực hiện nghị quyết; đóng góp nhiều giải pháp để đảm bảo kết quả hiệu quả hơn khi ban hành chính sách trong tình hình khẩn cấp, cấp bách hoặc khi có những biến động bất ngờ về kinh tế – xã hội do các yếu tố khách quan. Các đại biểu Quốc hội cũng đóng góp giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nghị quyết 43 còn chưa kết thúc.
Ý kiến của đại biểu Quốc hội được ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết giám sát, trình Quốc hội thông qua.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/de-nghi-tiep-tuc-keo-dai-chinh-sach-giam-thue-vat-2-374635.html