Đại biểu Trần Chí Cường đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định thanh toán cho bệnh nhân bảo hiểm y tế phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có thuốc và vật tư y tế.
Bệnh viện thiếu thuốc, bệnh nhân phải mua thuốc ngoài
Chiều 31/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn TP Đà Nẵng) cho biết mặc dù dự thảo Luật có bổ sung thêm quy định về thanh toán trong trường hợp điều chỉnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và chi phí dịch vụ cận lâm sàng ở khoản 4, khoản 5.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết, việc bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi bệnh viện không có thì sẽ được thanh toán như thế nào mới đang là vấn đề thực tế được rất nhiều cử tri quan tâm hiện nay.
“Dù trước khi trình dự thảo Luật tại kỳ họp này, Bộ Y tế đã kịp thời ban hành Thông tư số 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, thông tư này không giải quyết được vướng mắc trên, cũng không thể giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc như hiện nay. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục thanh toán quy định tại Thông tư 22 cũng có nhiều vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện”, đại biểu nêu rõ.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm một khoản quy định về nội dung thanh toán cho bệnh nhân BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có thuốc và vật tư y tế tại Điều 31 để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân khi đi khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT.
Dự thảo Luật lần này cũng đã bổ sung nhiều quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT, đặc biệt là chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, giảm bớt thủ tục hành chính và tăng cường tiếp cận dịch vụ.
Theo đại biểu, dự thảo Luật cần quy định cụ thể lộ trình liên thông và công nhận kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chậm nhất trước ngày 1/1/2026.
“Điều này sẽ góp phần tiết kiệm cho quỹ BHYT và ngân sách tài chính của các gia đình có người thân đi khám bệnh, chữa bệnh”, đại biểu nhấn mạnh.
Bổ sung quy định cơ quan bảo hiểm xã hội phải thanh toán kịp thời
Góp ý tại nghị trường, đại biểu Đinh Văn Thê (đoàn tỉnh Gia Lai) đề nghị bổ sung thanh toán cho người bệnh trong các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế.
Theo đó, đại biểu Đinh Văn Thê đề nghị bổ sung vào Điều 31 nội dung quy định về các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng và không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh khác.
Người bệnh phải tự mua theo chỉ định của thầy thuốc thì cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh số tiền đã mua thuốc, vật tư y tế trước khi người bệnh ra viện; tổng hợp thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán.
Ông Thê cũng chỉ ra thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù đã ký kết hợp đồng khám, chữa bệnh nhưng tình trạng cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán kịp thời, đúng thời hạn chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hợp đồng.
Điều này làm cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động của khám, chữa bệnh.
Do vậy, để đảm bảo quan hệ bình đẳng giữa hai bên giao kết, ký kết hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Đinh Văn Thê đề nghị bổ sung quy định cơ quan bảo hiểm xã hội phải thanh toán kịp thời, đúng thời hạn chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hợp đồng đã ký kết.
Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội chậm thanh toán thì phải chịu lãi suất đối với số tiền chậm thanh toán theo quy định tại khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh là nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu, giải trình một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, mục tiêu của Nghị quyết 20 đề ra là đến năm 2030 có 95% người dân được tham gia BHYT.
Ngoài tăng cường số người tham gia BHYT, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc khám, chữa bệnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ cho ngành y tế.
Thời gian qua, ngành y tế đưa ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đưa vào sử dụng hệ thống đánh giá sự hài lòng của người bệnh, triển khai mô hình bệnh viện xanh -sạch – đẹp… thể hiện sự quyết tâm lớn của ngành y tế phục vụ người bệnh.
Trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cố gắng để hài hòa tất cả các mục tiêu trên.
Liên quan đến đối tượng tham gia BHYT, trong đó có liên quan đến học sinh – sinh viên, quân nhân thường trực, đối tượng ATK (an toàn khu), vùng biên giới… thay mặt cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, Bộ trưởng cho biết, xin tiếp thu, rà soát và đánh giá để đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Về các điều kiện chuyển người bệnh, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, đây cũng là một nội dung mới và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi để đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân, đảm bảo sự ổn định, vững chắc của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.
Liên quan đến vấn đề khám chữa bệnh từ xa, đây là nội dung thể chế hóa các quy định trong Luật Khám chữa bệnh. Trong luật quy định điều kiện nào được khám chữa bệnh từ xa; các chuyên môn kỹ thuật như thế nào; khả năng thanh toán, nguồn lực thực hiện khám chữa bệnh từ xa… là giải pháp rất tốt để hỗ trợ các tuyến y tế cơ sở phát triển.
Liên quan tới các quy định về liên thông kết quả xét nghiệm đề cập trong Luật khám chữa bệnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, để đảm bảo thực hiện được nội dung này cũng có rất nhiều các giải pháp đồng bộ để có cơ sở hạ tầng đồng bộ mới đáp ứng yêu cầu liên thông.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/de-nghi-thanh-toan-cho-benh-nhan-co-bao-hiem-y-te-phai-mua-thuoc-ben-ngoai-192241031172643727.htm