Ngày 20-9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ uống có đường vì lợi ích sức khỏe cộng đồng.
Tại hội thảo, các chuyên gia của Bộ Y tế và đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá cao việc dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được lấy ý kiến đã bổ sung một số hàng hóa có tác hại đến sức khỏe, như: thuốc lá, nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml. Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm có hại cho sức khỏe có ý nghĩa quan trọng và cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống bệnh không lây nhiễm của WHO tại Việt Nam nêu rõ, các sản phẩm thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường đang gây hại trực tiếp cho sức khỏe người dân và gây nhiều hệ lụy trong tương lai. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng thuế thuốc lá là biện pháp chính giảm nhu cầu sử dụng nhưng giải pháp này đang thực hiện rất thấp ở Việt Nam. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia có giá thuốc lá rẻ nhất, chỉ đứng sau Lào và Campuchia.
Một số nghiên cứu cho thấy, có khoảng 40 nhãn hiệu có giá dưới 10.000 đồng/bao thuốc. Hơn nữa, thị trường sản phẩm rất đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền khiến người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn. Do đó, Việt Nam cần tăng thuế theo lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 70-75% giá bán lẻ như khuyến cáo của WHO.
Đối với đồ uống có đường, nên xem xét áp dụng lộ trình thuế để đạt mức thuế chiếm 20% giá bán lẻ (tức là tăng 40% giá bán ra của nhà sản xuất) theo khuyến nghị của WHO để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai. Về lâu dài, nên cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng hoặc ngưỡng đường để khuyến khích sản phẩm giảm đường.
MINH KHANG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/de-nghi-tang-cao-thue-thuoc-la-va-do-uong-co-duong-post759941.html