Trung tướng Nguyễn Minh Đức đề nghị Thủ tướng chỉ đạo rà soát tổng thể các quy định phòng cháy chữa cháy để gỡ vướng cho doanh nghiệp.
“Cần hạn chế thấp nhất rào cản, tạo sự thông thoáng, triệt tiêu những thủ tục hành chính không đáng có cho doanh nghiệp”, trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh góp ý khi thảo luận tại tổ của Quốc hội ngày 25/5.
Theo tướng Đức, sau khi Quốc hội giám sát về phòng cháy chữa cháy đã chỉ ra loạt nguyên nhân và giải pháp. Bộ Xây dựng cũng đưa ra loạt quy chuẩn mới về phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực xây dựng. Động thái này “là rất tốt nhưng thiếu thực tế bởi các doanh nghiệp gặp vướng mắc trong quá trình xây dựng nhà xưởng”.
Nơi nguồn nguy hiểm cao về phòng cháy chữa cháy như thiết bị, máy móc thì không quy định chặt chẽ, trong khi kết cấu xây dựng như sơn chống cháy, cột thép giữa nhà không phải là nguy hiểm lại vướng nhiều quy định khó đáp ứng.
“Quy định phòng cháy chữa cháy yêu cầu sơn chuẩn châu Âu, nhưng doanh nghiệp không mua được sơn đó do trong nước chưa đủ nguồn cung. Khi không mua được sơn đáp ứng tiêu chuẩn, doanh nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, dẫn đến không được cấp phép, bị ngưng trệ sản xuất kinh doanh”, tướng Đức nói, cho rằng những quy định này không phù hợp với thực tế và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Trước đó, ngày 22/5, thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực.
Các doanh nghiệp cho rằng, “nhiều quy định mới về phòng cháy, chữa cháy vượt cả các nước phát triển và chưa tính đến tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam, làm gia tăng thời gian, thủ tục và chi phí tuân thủ”.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá thêm về vấn đề này, qua đó tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi, thông suốt mà vẫn bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới.
Khảo sát năm 2022 của VCCI cho thấy có tới 71,7% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến”, cao đáng kể so với con số 57,4% của năm 2021. Trong 5 lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp trong năm 2022, có phòng cháy và xây dựng (13%).
Các quy định về phòng cháy chữa cháy được siết chặt hơn từ giữa năm ngoái, sau khi nhiều vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng. Các thông tư hướng dẫn cho Nghị định 136 (có hiệu lực từ đầu năm 2021) rải rác được ban hành trong nửa đầu năm 2022 cũng khiến việc thẩm định phòng cháy chữa cháy ở các doanh nghiệp bị đình trệ.
Hàng loạt doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho rằng quy định cứng nhắc về phòng cháy chữa cháy khiến họ không xây, sử dụng được nhà xưởng, thậm chí phải đóng cửa.
Để khắc phục, đầu tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ra công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tìm cách gỡ khó, không làm gián đoạn việc đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Viết Tuân – Sơn Hà