Theo dự thảo tờ trình, qua 3 năm thực hiện NĐ132, số lượng DN kê khai quan hệ liên kết tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2021 có 11.811 DN, năm 2022 tăng lên 12.418 DN. Tỷ trọng DN đầu tư nước ngoài ở mức 66 – 68%, DN trong nước 32 – 34%. Các DN có giao dịch liên kết kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2021, 2022 lần lượt là 103.717 tỉ đồng, 121.532 tỉ đồng. Qua công tác thanh kiểm tra các DN có giao dịch liên kết từ năm 2020 đến nay, số thuế đã xử lý hơn 96.987 tỉ đồng. Từ đó có sự chuyển biến tích cực trong công tác chống chuyển giá, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
Trong quá trình thực hiện NĐ132, Bộ Tài chính đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Cụ thể, vướng mắc về xác định quan hệ liên kết theo vốn vay tại điểm d khoản 2 điều 5 (bao gồm trường hợp ngân hàng cho DN vay trên 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng các khoản nợ trung dài hạn của DN đi vay) và chi phí lãi vay của DN đi vay áp dụng theo mức khống chế trong trường hợp phát sinh duy nhất mối quan hệ liên kết theo vốn vay ngân hàng (NH). Khi đó, các giao dịch phát sinh giữa DN và NH là các giao dịch liên kết, đồng thời chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN áp dụng theo mức khống chế tại khoản 3 điều 16 NĐ132 (chi phí lãi vay không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần, phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo, thời gian chuyển không quá 5 năm).
Các DN phản ánh hoạt động vay vốn NH phục vụ sản xuất kinh doanh là phổ biến của DN Việt Nam, đây cũng là hoạt động kinh doanh thông thường (cấp tín dụng) của NH. DN và NH là hoàn toàn độc lập, chi phí lãi vay của DN là chi phí thực tế phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Do đó, việc khống chế và loại chi phí lãi vay đối với DN là không phù hợp. Đặc biệt các DN BOT thường vay NH 80% vốn.
Qua phản ánh và kinh nghiệm của một số nước, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi bổ sung vấn đề DN kiến nghị nhiều nhất đó là quy định về việc xác định quan hệ liên kết theo vốn vay tại điểm d khoản 2 điều 5 và chi phí lãi vay trong trường hợp vay NH. Trong thực tế, NH, tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính không có sự điều hành, kiểm soát, góp vốn, quyết định đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đi vay, xét theo nguyên tắc bản chất quyết định hình thức thì không phải là các bên có quan hệ liên kết.
Do đó, để đảm bảo quy định chi tiết tại khoản 2 thống nhất với khoản 1 điều 5 và phù hợp với thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu vay vốn cao phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đưa ra đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 điều 5 Nghị định 132 để loại trừ việc xác định quan hệ liên kết đối với trường hợp tổ chức tín dụng, tổ chức khác có chức năng hoạt động NH (không tham gia điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, tổ chức khác có chức năng hoạt động ngân hàng không chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác) bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay.
Bộ Tài chính dự kiến lộ trình quý 1/2024 đưa ra dự thảo lấy ý kiến rộng rãi, tổ chức hội thảo lấy ý kiến; tổng hợp ý kiến, hoàn thiện dự thảo nghị định và gửi hồ sơ xin ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp trong đầu quý 2/2024; quý 3/2024, giải trình ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, tổng hợp ý kiến và báo cáo Chính phủ để ban hành sửa đổi, bổ sung NĐ132.