Hầu hết mua vàng về bỏ tủ, cất két phòng rủi ro 

Chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng và lấy thương hiệu vàng SJC làm thương hiệu quốc gia. Do đó, tâm lý người dân thường lựa chọn SJC để tích trữ, phòng tránh rủi ro.

Điều này tạo ra sự không bình đẳng giữa vàng 9999, chất lượng như nhau nhưng SJC được bảo hộ nên giá lúc nào cũng cao hơn.

Thêm vào đó là tình trạng nhập khẩu vàng không liên thông trong nước, nên không tạo sự cân bằng được giữa thị trường vàng trong nước và thế giới. Chính vì vậy, khi thế giới tăng một chút thì giá vàng ở Việt Nam tăng rất cao. Giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch dẫn đến tình trạng nhập lậu, lợi nhuận càng cao buôn lậu càng lớn.

“Như vậy sẽ không thể quản lý tốt thị trường vàng, làm thất thu thuế, không tạo ra cạnh tranh, minh bạch và bình đẳng”, ông Cường chia sẻ.

toadam vang.jpg
Các khách mời tại tọa đàm. Ảnh: VGP

Từ những phân tích đó, ông Cường đề nghị cần thay đổi phương thức quản lý, sửa đổi quy định liên quan đến nội dung này.

“Không nhất thiết độc quyền nhà nước về thương hiệu vàng. Khi nguồn cung vàng được tự do và cạnh tranh bình đẳng, sẽ không còn tình trạng khan hiếm”, ông Cường phân tích.

Bên cạnh đó, ông cho rằng, vàng là thị trường liên thông, biến động mạnh nên cần phải mở các công cụ liên thông thị trường vàng trong nước và quốc tế, xuất nhập khẩu với phương thức phù hợp, không duy trì cơ chế cấp phép, cấp quota theo dạng xin – cho mà cần quản lý bằng công cụ tài chính, đảm bảo tính cân đối trong nhập khẩu vàng, tránh rủi ro tài chính.

Ông cũng đề nghị, cần có phương thức quản lý kinh doanh vàng như kinh doanh trên sàn, hợp đồng và tín chỉ về vàng. Khi mở sàn giao dịch thì không lệ thuộc quá nhiều nhập khẩu nhiều vàng, mà sử dụng công cụ phái sinh, cân đối cung cầu.

Nêu tâm lý người Việt Nam thường hay có tính đề phòng, phòng ngừa rủi ro rất cao, ông Cường chỉ ra thực tế nhu cầu người dân sở hữu mua bán vàng miếng không phải để làm trang sức mà tích trữ, phòng rủi ro, phòng thân là chính.

Đại biểu này đặt vấn đề: “Nếu chỉ duy trì thị trường vàng vật chất, mua vàng về bỏ tủ, cất két thì đồng tiền đó có sinh lời và lưu thông hay không?”.

Do đó, khi có sàn vàng thì thay đổi tâm lý, thay vì mua vàng thì mua chứng chỉ vàng, người dân sẽ yên tâm hơn và tiện lợi hơn, không lo cất trữ vàng. Vàng khi đó sẽ nằm trên thị trường và là hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Ngoài ra, ông Cường cũng cho rằng, khi sử dụng công cụ phái sinh, bán vàng theo hợp đồng và tương lai nhập khẩu vàng theo thị trường cũng đảm bảo thị trường minh bạch hơn, ngăn chặn nhập khẩu lậu và trốn thuế.

Cần cho phép giao dịch vàng thông qua các hợp đồng kỳ hạn

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, quốc tế coi vàng là hàng hóa, gồm vàng vật chất (thỏi, miếng, đồng tiền vàng và trang sức) và phi vật chất (vàng tài khoản và chứng chỉ) được giao dịch thông dụng trên thị trường.

Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chỉ đề cập vàng vật chất, vàng miếng SJC chọn là thương hiệu quốc gia do nhà nước sản xuất và độc quyền kinh doanh vàng miếng.

Theo khảo sát, các nước trên thế giới, kể cả tại các nền kinh tế lớn, ngân hàng Trung ương không quản lý trực tiếp hoạt động kinh doanh vàng, vì đây là loại hàng hóa được quản lý bởi các cơ quan nhà nước, như Bộ Công Thương tại Singapore và Thái Lan, Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý ngoại hối, điều tiết dòng tiền, ngân hàng Trung ương chỉ điều phối vàng như dự trữ quốc gia, đảm bảo an ninh tiền tệ.

vang-toadam.png
Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thế Hùng.

Nêu thực tế ở Việt Nam vàng được xem là phương tiện tích trữ, phòng ngừa rủi ro và lạm phát, ông Hùng nhận xét, đồng tiền Việt Nam ổn định, tỷ giá ổn định, vì vậy người dân không dùng vàng làm phương tiện thanh toán, không có khái niệm vàng hóa nữa.

Chính vì vậy, để tăng giá trị thặng dư trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu cần xem xét lại cách thức quản lý thị trường vàng. Nếu quan niệm vàng là loại hàng hóa thì Ngân hàng Nhà nước không quản lý thị trường vàng.

TS. Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) – cho rằng, cần thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng. Cơ quan điều hành cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược với thị trường vàng là bộ phận hữu cơ của thị trường tài chính, gắn chặt chẽ với thị trường tài chính, mang tính hội nhập và liên thông với thế giới, không thể tách rời.

Vì vậy, sửa đổi Nghị định 24/2012 cần đưa được nội dung này, để phát triển thị trường minh bạch, hiệu quả, an toàn và ổn định.

Theo vị chuyên gia này, nhiều nước cho phép huy động vốn thông qua chứng chỉ, chứng nhận vàng do Nhà nước – Ngân hàng Nhà nước phát hành để đảm bảo an toàn. Việc mua bán chứng chỉ, chứng nhận vàng phải tuân theo quy luật chặt chẽ vì đây là loại hàng hóa đặc biệt.

Bởi, vàng không chỉ là phương tiện đầu cơ mà còn là tài sản trú ẩn, phòng ngừa rủi ro nên một khối lượng vàng lớn khoảng 400 tấn nằm “chết” trong khu vực người dân.

Nhấn mạnh đây là con số lớn, ông Đạt đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần huy động với điều kiện, tiêu chí cụ thể với thị trường vàng, sở giao dịch vàng, thông qua việc tham khảo kinh nghiệm nhiều nước để cho phép sở giao dịch hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng thông qua các hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn. Các thành viên tham gia phải đáp ứng được tiêu chuẩn chặt chẽ.

“Cần thành lập quỹ tín thác bằng vàng. Chứng chỉ quỹ này có thể được đưa lên sở giao dịch, hoặc tham gia các chương trình phái sinh hiện đại, mới giúp cho quỹ này có vai trò như quỹ bình ổn, giảm áp lực chính sách vĩ mô, góp phần môi trường kinh tế vĩ mô ổn định”, ông Đạt góp ý.

'Giá vàng SJC sẽ về ngay hơn 60 triệu/lượng, nếu NHNN có hành động cụ thể'

‘Giá vàng SJC sẽ về ngay hơn 60 triệu/lượng, nếu NHNN có hành động cụ thể’

Khi có biện pháp cụ thể thì mới biết được giá vàng đi xuống bao nhiêu. Cung cầu ổn định mới không có chuyện giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới từ 15-20 triệu đồng/lượng, chuyên gia nhận định.
Cách đơn giản để giá vàng SJC liên thông thế giới, cho dù vẫn độc quyền

Cách đơn giản để giá vàng SJC liên thông thế giới, cho dù vẫn độc quyền

Giá vàng miếng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 12-13 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm chênh 18-20 triệu đồng. Để chấm dứt tình trạng này, chuyên gia ‘hiến kế’ giúp giá vàng SJC liên thông với giá thế giới, không lo chuyện độc quyền.
Thủ tướng: Không để giá vàng trong nước chênh lệch cao với quốc tế

Thủ tướng: Không để giá vàng trong nước chênh lệch cao với quốc tế

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành giá vàng miếng theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch lớn với giá vàng quốc tế.