VHO – Tại báo cáo thực trạng công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia vừa gửi Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị Bộ VHTTDL xem xét, thẩm định Hồ sơ hiện vật kim bảo “Hoàng đế chi bảo” tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (phường Đình Bảng, TP Từ Sơn), trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024.
Sau khi chính thức hồi hương, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hiện đang được trưng bày, bảo quản và phát huy giá trị tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng. Ấn vàng Hoàng đế chi bảo triều Nguyễn cao 10,4cm, nặng 10,78 kg, mặt ấn 13,8cm x 13,7cm. Mặt dưới được đúc nổi 4 chữ triện: Hoàng Đế Chi Bảo.
UBND tỉnh Bắc Ninh nêu rõ, để tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị các bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ VHTTDL xem xét, thẩm định Hồ sơ hiện vật Kim bảo “Hoàng đế chi bảo” tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (phường Đình Bảng, TP Từ Sơn), trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024. Trước đó, thực hiện văn bản hướng dẫn của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng xây dựng hồ sơ hiện vật Kim bảo “Hoàng đế chi bảo”, đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia.
Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật,… ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là di sản văn hóa có ýnghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, là biểu trưng của quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Ngày 30.8.1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quýnhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916-1925) trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng. Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2.9.1945.
Năm 1952, hai cổ vật này đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8.3.1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng, sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953. Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp, trong đó có ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được rao bán đấu giá vào tháng 11.2022. Sau hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lýliên quan, chiều ngày 16.11.2023 (giờ Pháp) tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, buổi lễ chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho phía Việt Nam đã chính thức diễn ra. Các thủ tục cần thiết sau đó để ấn vàng Hoàng đế chi bảo được chuyển giao từ Pháp về Việt Nam đã được tiến hành.
Sau khi hồi hương, Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh) là đơn vị thực hiện việc lưu giữ, trưng bày, phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm bảo vệ, phát huy giá trị của ấn vàng tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh) theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Hiện tỉnh Bắc Ninh có 18 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia, trong đó gồm: Tượng Phật A Di Đà (chùa Phật Tích, huyện Tiên Du); Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay (chùa Bút Tháp, thị xã Thuận Thành); Bia Xá Lợi Tháp Minh (Bảo tàng Bắc Ninh); Rồng đá (Xà thần), Đền thờ Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình; Cột đá chạm rồng chùa Dạm (phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh); Cửa võng đình Diềm (phường Hòa Long, TP Bắc Ninh); Bia Tiến sĩVăn Miếu Bắc Ninh (phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh); Mộc bản sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh (Bảo tàng Bắc Ninh); Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn (Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng)…
Về công tác bảo vệ bảo vật quốc gia, tỉnh Bắc Ninh trong những năm qua đã ban hành nhiều chính sách; ưu tiên đầu tư kinh phí tu bổ các di tích có lưu trữ bảo vật quốc gia. Đó là căn cứ pháp lýđể thực hiện công tác bảo vệ, phát huy giá trị của các bảo vật, nhóm bảo vật quốc gia trên địa bàn. Trong số 18 bảo vật quốc gia hiện nay tại Bắc Ninh, có ba bảo vật được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng ngoài công lập, 12/18 hiện vật, nhóm hiện vật bảo vật được lưu giữ trong nội tự di tích, 3/18 hiện vật, nhóm hiện vật được lưu giữ ngoài trời. Các hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh và Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Tại các di tích có bảo vật, hầu hết các BQL di tích địa phương đã lắp đặt camera an ninh giám sát, bảo vệ. Hàng ngày, tại các điểm di tích cử người trực trông coi, bảo vệ.
Bên cạnh đó, trong quá trình tu bổ, tôn tạo các dự án đều có các phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn cho hiện vật, bảo vật. Các di tích có bảo vật quốc gia được chống mối thường xuyên để bảo vệ an toàn cho công trình, bảo vệ các bảo vật quốc gia tại di tích. Các bảo vật được lưu giữ tại các Bảo tàng hằng năm được kiểm tra bảo quản định kỳ theo quy định. Song song là công tác phát huy giá trị các hiện vật, bảo vật quốc gia. Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, trong những năm qua, Bắc Ninh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn trong công tác lập hồ sơ các hiện vật có giá trị tiêu biểu báo cáo Bộ VHTTDL thẩm định, trình Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia. 18 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia hiện nay là địa điểm thu hút hàng vạn khách du lịch trong và ngoài nước về tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu. Các di tích lịch sử văn hóa có bảo vật quốc gia thường xuyên được quan tâm đầu tư kinh phí trùng tu, tu bổ, chống xuống cấp, đảm bảo bảo vật quốc gia luôn được đặt trong chế độ bảo quản tốt nhất.
Để tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị các bảo vật quốc gia trên địa bàn trong thời gian tới, UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ VHTTDL xem xét, thẩm định Hồ sơ hiện vật Kim bảo “Hoàng đế chi bảo” tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Đồng thời, đề nghị Bộ hỗ trợ xây dựng, triển khai thực hiện Đề án bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/de-nghi-cong-nhan-bao-vat-quoc-gia-108543.html