Ngày 22/12, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã làm việc với Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Trung tâm Y tế huyện Đông Anh và quận Hai Bà Trưng về chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, giai đoạn 2020-2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, giai đoạn 2018-2022”.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, giai đoạn 2020-2022, dự kiến kinh phí ngân sách nhà nước đã thực hiện là hơn 954 tỷ đồng.
Công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực bằng hiện vật được phân bổ, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng. Các lực lượng được huy động cho công tác phòng, chống dịch được sử dụng hiệu quả, góp phần làm nên thành công trong công tác phòng, chống dịch của Thành phố.
Về y tế cơ sở, mạng lưới Y tế cơ sở gồm 30 Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, 13 Bệnh viện đa khoa tuyến huyện và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn Thành phố. Mạng lưới y tế dự phòng được sắp xếp liên hoàn, theo 3 tuyến: tuyến Thành phố với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (CDC) là đơn vị đầu mối triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực y tế dự phòng; tuyến huyện và tuyến xã…
Theo đại diện Sở Y tế, tồn tại trong công tác tài chính hậu cần là Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 tại Khoản 3 Điều 48 quy định “người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí” không cho phép xã hội hoá hoạt động tiêm chủng. Trong khi đó, thời gian cách ly kéo dài lên tới 14, 21 ngày gây ra áp lực rất lớn đối với ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, hoạt động tiêm chủng không được xã hội hoá khiến ngân sách Nhà nước đều phải chi trả cho việc mua vaccin, vật tư tiêu hao… trong khi người dân có nguyện vọng chi trả mà không được.
Cũng do quy định này nên đã gây nhiều khó khăn trong huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch. Người mắc Covid-19 (bệnh truyền nhiễm nhóm A) được khám, điều trị miễn phí, kinh phí do ngân sách Nhà nước chi trả. Trường hợp chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không duy trì được, còn nếu chi trả theo mức chi phí thực tế tại cơ sở tư nhân sẽ dẫn đến tác động tiêu cực và không có cơ sở để thực hiện khi dùng ngân sách Nhà nước chi trả.
Bên cạnh đó, quy định này gây khó khăn trong việc thanh, quyết toán kinh phí khám chữa bệnh của người bệnh Covid-19 bởi tại thời điểm điều trị, người bệnh Covid-19 có bệnh lý nền nên phải phân tách chi phí điều trị từng loại bệnh. Điều này rất khó thực thực hiện.
Từ những khó khăn trên, Sở Y tế Hà Nội đề nghị cần quy định cơ chế chuyển dịch bệnh Covid-19 thuộc nhóm A sang nhóm B để việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh sẽ như các bệnh lý khác.
“Hiện dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt trên địa bàn, các chi phí điều trị vẫn do ngân sách Nhà nước chi trả, gây nên gánh nặng cho ngân sách, trong khi nhiều người dân có khả năng chi trả”, Phó giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương nói.
Sở Y tế Hà Nội cũng kiến nghị Quốc hội cần tiếp tục đưa vào Nghị quyết kéo dài của Quốc hội để tháo gỡ những vướng mắc, trong đó, đề xuất cơ chế cho phép thanh toán từ nguồn ngân sách Nhà nước để hoàn trả các đơn vị đã cung cấp dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 nhưng chưa có quyết định đặt hàng và hợp đồng đặt hàng; đề xuất cơ chế đặc thù để thanh toán cho các nhà cung cấp trong trường hợp vay, mượn hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch…
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát đề nghị Sở Y tế Hà Nội, trên cơ sở một số vướng mắc của quy định pháp luật đã chỉ ra, cần đề xuất cụ thể hơn cơ chế đặc thù cho các đơn vị thanh toán cho nhà cung cấp; làm rõ việc tài sản đã đầu tư cho công tác phòng, chống dịch hiện được đưa vào sử dụng ra sao…
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy, nhân lực của y tế cơ sở, y tế dự phòng cần được đánh giá chức năng nhiệm vụ đã phù hợp, hợp lý chưa với yêu cầu của Thành phố, bên cạnh việc cần đánh giá về nhân lực, cơ cấu và cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ. Các thành viên Đoàn Giám sát cũng đề nghị cần tích sâu hơn sự liên kết, cơ hữu giữ khu vực y tế công và y tế tư nhân và hệ thống trang thiết bị y tế cơ sở…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai khẳng định, với sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc của Sở Y tế Hà Nội và các cơ quan, đơn vị, buổi giám sát đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho đoàn.
Bà Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Sở Y tế Hà Nội hoàn thiện báo cáo theo hướng bảo đảm kiến nghị đề xuất rõ ràng, cụ thể; bảo đảm bám sát đề cương giám sát; thống nhất số liệu của báo cáo để chuẩn bị cho Đoàn giám sát làm việc với UBND TP Hà Nội.