Có đến 90% sản phẩm thủy sản mà Brazil mua từ Việt Nam là cá tra
Theo thông tin mới công bố từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 1/2023, khối lượng cá tra xuất khẩu sang Brazil đạt 1.194 tấn, giảm 79% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2022. Giá trung bình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Brazil trong tháng 1 đạt 3,06 USD/kg, tăng 3% so với 2,98 USD/kg cùng kỳ năm ngoái.
Có đến 90% sản phẩm thủy sản mà Brazil mua từ Việt Nam là cá tra |
Tính đến giữa tháng 2/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Brazil đạt giá trị 10,5 triệu USD, giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong xu hướng sụt giảm chung tới hầu hết các thị trường, Brazil vẫn giữ vị trí là thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của cá tra Việt Nam, chiếm gần 7% tỷ trọng.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Brazil năm 2023 về đích với 113 triệu USD, tăng 19% so với năm 2022.
Brazil là một trong số ít các thị trường đạt tăng trưởng dương về nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Trong khi hầu hết các thị trường chính đều chứng kiến sự sụt giảm liên tục trong năm 2023, thì quốc gia Nam Mỹ này luôn đạt mức tăng trưởng 2-3 con số ở phần lớn các tháng trong năm.
2 tháng cuối năm 2023, xuất khẩu cá tra sang Brazil đều đạt gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Quý IV/2023, Brazil nhập khẩu gần 42 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, tháng 12/2023 xuất khẩu cá tra sang Brazil tăng trưởng 3 con số, gấp đôi so với tháng 12/2022. Nhờ doanh số bán cá tra trong tháng cuối năm 2023, Brazil đã đứng ở vị trí thứ 4 về thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam sau Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, CPTPP trong quý IV/2023
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), Việt Nam vẫn là nhà cung cấp cá thịt trắng số 1 cho Brazil. Năm 2023 kết thúc, giá xuất khẩu sang quốc gia này giảm xuống mức thấp, nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng cao, cho thấy nhu cầu tiêu thụ cá tra tại Brazil vẫn tốt.
Brazil chủ yếu nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Có đến 90% sản phẩm thủy sản mà quốc gia này mua từ Việt Nam là cá tra. Cùng với cá tra, Brazil nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam, tuy nhiên, số lượng không nhiều. Vừa qua Brazil chính thức ngừng nhập khẩu các sản phẩm cá rô phi từ Việt Nam kể từ ngày 14/2/2024 cho đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV theo Quyết định số 270 ngày 9/2/2024 của Cơ quan kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA). Quyết định này tạo ra những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần lường trước.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đây có thể được xem là rào cản ban đầu đối với các sản phẩm cá rô phi của Việt Nam, và tiến tới có thể là sản phẩm thủy sản khác tại thị trường Brazil như cá tra. Do đó, doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn về việc lựa chọn con giống cũng như kiểm soát dịch bệnh đối với không chỉ cá rô phi mà còn với cá thịt trắng trong đó có cá tra.
Đề nghị thay đổi tiêu chuẩn nhập khẩu tôm và cá tra của Việt Nam
Về rào cản thị trường với ngành hàng thủy sản, ông Lê Bá Anh – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – nêu thực trạng, Brazil đang áp dụng tiêu chuẩn phụ gia, phốt phát và thực hiện kiểm tra chỉ tiêu phụ gia đối với cá tra Việt Nam không phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng thị trường. Hiện vấn đề này cần phía Brazil xem xét lại.
Ngoài ra, Brazil chưa cho phép Việt Nam xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con, đồng thời áp dụng yêu cầu về chế độ xử lý nhiệt đối với tôm xuất khẩu sang nước này khác với quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Theo đó, phía Việt Nam đã cung cấp tài liệu của OIE đến Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil thông qua Đại sứ quán và cho rằng quy định này cần thay đổi phù hợp với quy định quốc tế.
Ông Lê Bá Anh cũng đề nghị Brazil thay đổi thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký nhãn sản phẩm và công nhận bổ sung, xử lý danh sách doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu nông sản sang Brazil với tiến độ nhanh hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Liên quan đến việc Brazil ra quyết định dừng nhập khẩu cá rô phi Việt Nam cho đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV. Phía Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị nông sản đề nghị những lô hàng đang được đưa vào Brazil trước thời điểm ra quyết định vẫn được tạo điều kiện để nhập khẩu bình thường.
Về việc này, ông Roberto Serroni Perosa – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil – cho biết, Brazil sẽ thông qua danh sách doanh nghiệp xuất khẩu và Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam sẽ gửi công hàm ra quyết định này. Ông Perosa cũng khẳng định những lô hàng cá rô phi từ Việt Nam sang Brazil trước thời điểm ra quyết định sẽ được thông quan bình thường.
Cũng theo ông Roberto Serroni Perosa, hiện Phía Brazil đề cập đến ba mối quan tâm, mong muốn nhận được phản hồi từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm: Khả năng xuất khẩu thịt bò sống và phụ phẩm từ bò làm thức ăn chăn nuôi cho Việt Nam; xuất khẩu chân gà đông lạnh và vấn đề thay đổi giấy chứng nhận kiểm dịch quốc tế và vấn đề khoanh vùng cúm gia cầm độc lực cao của Việt Nam đối với các mặt hàng của Brazil.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – khẳng định, thị trường Việt Nam đang rất mở cửa cho phía Brazil. Sản phẩm nông sản hai nước có sự bổ trợ lẫn nhau chứ không có sự đối đầu. Phía Việt Nam sẵn làm việc với Brazil về thức ăn chăn nuôi và thịt bò sống với yêu cầu chất lượng và giá thành thấp nhằm đảm bảo sự cạnh tranh.
Thứ trưởng cũng đề nghị phía Brazil quyết định sớm về việc nhập khẩu tôm đông lạnh không vỏ và không đầu, cho phép sử dụng phốt phát trong thịt cá tra theo quy định của OIE.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị nông sản trao đổi với Đại sứ quán Brazil về vấn đề cá tra và tôm, đồng thời giao Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xử lý vấn đề liên quan đến nhập khẩu thịt bò sống, chế phẩm từ bò và chân gà đông lạnh để hai bên đi đến thống nhất bằng văn bản trong thời gian sớm nhất.