Hôm nay, 15/5, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị xin ý kiến góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà và Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội nghị. Tham dự có Ban Chủ nhiệm, các chuyên gia, nhà khoa học trong các Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam; thành viên, Tổ giúp việc các tiểu ban Văn kiện, Nghiên cứu sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam…
Có đánh giá xứng đáng cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận về nội dung Báo cáo chính trị, trong đó tập trung vào một số điểm mới về mục tiêu, chương trình hành động mà Báo cáo nêu dựa trên cơ sở văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết tại Hội nghị BCH Trung ương khóa XIII đối với những vấn đề liên quan MTTQ Việt Nam; góp ý vào hệ thống chỉ tiêu liên quan phong trào thi đua, công tác an sinh xã hội, công tác cán bộ; nội dung 6 chương trình hành động “Xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”…
Đồng thời, tập trung thảo luận những nội dung sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam: các tiêu chí, cách thức việc kết nạp các tổ chức thành viên; việc phân cấp, phân quyền và văn bản mới liên quan chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan MTTQ Việt Nam; chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Tư vấn…
Đáng chú ý, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học-Giáo dục và Môi trường Nguyễn Ngọc Minh cho rằng, dự thảo Báo cáo chính trị cần được diễn đạt theo hướng thời sự và mạnh mẽ hơn, thể hiện được vai trò của MTTQ Việt Nam khi cùng Nhân dân chung tay xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.
“Ngoài việc đưa ra những cụm từ “đẩy mạnh…”, Báo cáo cần tạo được đồng tình ủng hộ của Nhân dân trong thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, điển hình là hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực và phải tạo cơ hội để chấn chỉnh, sàng lọc, đánh giá chất lượng cán bộ, xây dựng được bộ máy trong sạch, đầy đủ năng lực, đạo đức, là đầu tàu để xây dựng đất nước phát triển tiến bộ và hòa nhập xu thế của khu vực, thế giới. Đồng thời, phát huy được những thế mạnh của Việt Nam đối với việc tăng tốc chiếm lĩnh những đỉnh cao trong phát triển KT-XH; trong thời kỳ công nghiệp số thì công nghệ số, trí tuệ nhân tạo… cũng là những vấn đề thời sự mà Việt Nam có cơ hội bứt phá”- ông Nguyễn Ngọc Minh nói.
Còn theo Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật Trần Ngọc Đường, trong kết quả thực hiện chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024, cần dành những đánh giá, nhận xét xứng đáng cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Trong đó, làm rõ kết quả đạt được và vai trò của giám sát, phản biện xã hội nhằm nâng cao nhận thức một bước nữa về chức năng này của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ tới.
Đặc biệt, cũng cho ý kiến vào Báo cáo chính trị, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam Trần Anh Tuấn đã đề cập việc bổ sung vấn đề “kiểm soát quyền lực Nhà nước”. Hiến pháp năm 2013 đã tạo nền tảng hiến định cho các cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, trong đó có vai trò của MTTQ Việt Nam thông qua giám sát, phản biện xã hội. Tuy nhiên, cơ chế Nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước dù đã ra đời bằng việc thể chế hóa trong Luật MTTQ Việt Nam về giám sát và phản biện xã hội, nhưng quy định chưa đầy đủ trình tự, thủ tục hiệu lực cũng như trách nhiệm của đối tượng chịu giám sát, phản biện xã hội.
Về tiêu chí cụ thể, ở chức năng phản biện, ông Tuấn cho rằng không nên chỉ dừng ở việc phản biện xã hội các dự thảo văn bản mà phải tiến hành phản biện xã hội các văn bản đã ban hành, bởi quá trình thực hiện mới phát sinh những bất cập hoặc thực hiện trong thời gian dài cần sửa đổi cho phù hợp.
Dành quan tâm hơn tới Trưởng Ban Công tác Mặt trận
Nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ-Pháp luật Đỗ Duy Thường nêu quan điểm, MTTQ mỗi cấp đều đề ra chương trình hành động cụ thể, nhưng cuối cùng mà gắn với Nhân dân là Ban Công tác Mặt trận. Trong khi, theo cơ cấu tổ chức, Ban Công tác Mặt trận không phải là một cấp chính quyền, một cấp Mặt trận, nhưng lại nằm dưới Tổ dân phố. Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hiện nay, rất nhiều chung cư được xây dựng, số lượng hộ gia đình ngày một tăng, do đó cần xem xét có phụ cấp cho Trưởng Ban Công tác Mặt trận.
“Hiện nay Nhà nước còn ít quan tâm đối tượng này, trong khi sát dân, trực tiếp với dân nhất trong mọi cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước là Ban Công tác Mặt trận. Trong 6 chương trình hành động tại dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X cần lưu ý đến nội dung về Ban Công tác Mặt trận”- ông Thường gợi mở.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, đây là một sự kiện đặc biệt bởi có sự tham gia của những đại biểu có kinh nghiệm trong công tác Mặt trận. Tiếp thu ý kiến tâm huyết của các đại biểu, bà Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục chỉnh sửa, từng bước hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 để trình xin ý kiến tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch và Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam thời gian tới. Đồng thời, bày tỏ mong muốn, với kinh nghiệm trong triển khai công tác Mặt trận, các chuyên gia, nhà khoa học trong các Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp xác đáng nhằm góp phần nâng cao vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/de-nghi-bo-sung-van-de-kiem-soat-quyen-luc-nha-nuoc.html