Đánh giá về công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở (THCS), lãnh đạo nhiều trường nghề cho biết đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khi tâm lý của phụ huynh vẫn thích cho con em mình học văn hóa, lên đại học.
Theo ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, để tăng cường hiệu quả công tác phân luồng, tháng 6/2023, Phòng GDNN đã tham mưu lãnh đạo Sở ký kết Chương trình phối hợp về định hướng phân luồng với Sở Giáo dục và Đào tạo.
Thời điểm đó, chương trình phối hợp với 4 nội dung trọng tâm gồm: Tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học vào học GDNN; trao đổi thông tin của đôi bên định kỳ 3 tháng/lần; tăng cường giám sát việc tổ chức đào tạo kiến thức văn hóa trung học phổ thông tại các cơ sở GDNN; phối hợp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hướng nghiệp và GDNN.
Sau 1 năm triển khai có hiệu quả, ngày 19/9, Phòng GDNN đã tham mưu lãnh đạo Sở phối hợp ký kết quy chế phối hợp với Sở GD&ĐT, đưa công tác phối hợp từ 4 lên thành 24 nội dung.
Theo ông Nguyễn Chí Thành, kể từ khi công tác phối hợp được ký kết, công tác phân luồng học sinh vào học GDNN theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Thủ tướng Chính phủ đã có chiều hướng tích cực hơn.
Tính đến cuối năm 2023, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trình độ THCS vào học GDNN là 28,54%, cao hơn năm 2022 (26,15%) và năm 2021 (27,13%). Tuy vậy, bình quân chung giai đoạn 2021-2024, tỉ lệ này chỉ là 26,19%, mới đạt 65% chỉ tiêu quy định trong đề án.
Để nâng cao tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học vào học GDNN trên địa bàn thành phố, Phòng GDNN đang đề xuất thực hiện nhiều giải pháp.
Trong đó, ông Thành đề nghị công tác thông tin, tuyên truyền phải thực hiện đa dạng hơn, nội dung phong phú hơn; đặc biệt là nêu bật được giá trị nguồn nhân lực sau tốt nghiệp GDNN trong sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Thứ hai, ngành LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT để tham mưu UBND Thành phố quy định cụ thể hơn chỉ tiêu vào lớp 10 công lập và vào học GDNN.
Theo đó, hai ngành sẽ đề xuất chỉ tiêu 65% vào lớp 10 công lập, 15% vào học lớp 10 tại các trường THPT ngoài công lập và các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 20% vào học GDNN.
Ngoài ra, ngành LĐ-TB&XH còn đề xuất bổ sung lựa chọn nguyện vọng 4 là các cơ sở GDNN bên cạnh 3 nguyện vọng tuyển sinh lớp 10 trong hệ thống tuyển sinh do ngành GD&ĐT vận hành.
Ông Thành cho biết, thời gian tới, Phòng GDNN sẽ phối hợp với các trường đại học để tổ chức khóa bồi dưỡng về tư vấn, hướng nghiệp cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên làm công tác hướng nghiệp tại các trường THCS.
Đồng thời, các phòng GD&ĐT và các cơ sở GDNN cũng sẽ phối hợp với nhau để tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh THCS đến tham quan, tìm hiểu các mô hình đào tạo, tư vấn trực tiếp, trắc nghiệm tâm lý để xác định sở trường của từng em. Từ đó, hướng nghiệp cho các học sinh THCS để giúp các em sớm lựa chọn hướng đi phù hợp.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/de-nghi-bo-sung-nguyen-vong-hoc-nghe-khi-tuyen-sinh-lop-10-20241009060538116.htm