Trong những năm gần đây, diện mạo của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Không những vậy, điện ảnh Việt Nam còn để lại ít nhiều dấu ấn trên thế giới. Tuy nhiên, để trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và có vị thế cao trong khu vực và quốc tế như nhiều người kỳ vọng, điện ảnh Việt Nam cần có một “cú huých” mới.
Lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hiếu – TTXVN
Những dấu ấn
Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 9/2016, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu tổng quát là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó có điện ảnh, “trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam…”. Chính phủ cũng đặt mục tiêu cụ thể về doanh thu cho ngành điện ảnh đến năm 2020 là khoảng 150 triệu USD, trong đó phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD).
Sau đó, Luật Điện ảnh (ban hành tháng 6/2022) cũng đề cập tới các biện pháp cụ thể nhằm phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh như: Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế; Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật…
Với sự quan tâm đó của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đã phát triển khá mạnh mẽ. Chỉ khoảng 2 năm sau khi Chiến lược trên được thông qua, doanh thu của ngành đã vượt mức mục tiêu đề ra cho năm 2020.
Theo thống kê của Cục Điện ảnh, từ năm 2009 đến 2014, mỗi năm, Việt Nam chỉ sản xuất 15-25 phim, chiếm khoảng 15% tổng số phim chiếu rạp. Năm 2015 sản xuất phim đột biến tăng lên 42 phim; năm 2016 có 41 phim, 2017 và 2018 đều là 38 phim, còn 2019 là 41 phim. Giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát (2020-2022), mặc dù nhiều dự án phim bị gián đoạn nhưng điện ảnh Việt Nam cũng ghi dấu ấn bằng một số phim có doanh thu trên trăm tỷ đồng như Bố già (năm 2021, khoảng 400 tỷ đồng), Tiệc trăng máu (năm 2020, gần 173 tỷ đồng)…
Từ năm 2010 đến nay, điện ảnh Việt Nam đã tham gia 148 liên hoan phim quốc tế với 330 đầu phim. Gần đây nhất, tại Liên hoan Phim Cannes 2023, bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng” của Phạm Thiên Ân được trao giải Camera Vàng, còn đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng cũng đạt giải “Đạo diễn xuất sắc” với bộ phim “The Pot-Au-Feu”.
Về các hoạt động hợp tác làm phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim, theo bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thời gian gần đây, một số phim của điện ảnh Việt Nam không chỉ gây ấn tượng ở phòng vé trong nước mà còn tạo kỳ tích vượt qua những tiêu chí khắt khe của thị trường nước ngoài để có mặt tại các rạp chiếu ở nhiều quốc gia.
Cần có cú huých mới
Qua các con số trên, có thể thấy, diện mạo điện ảnh Việt Nam đã có những thay đổi đáng khích lệ từ khi thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Không những vậy, điện ảnh Việt Nam còn để lại ít nhiều dấu ấn trên thế giới.
Tiết mục văn nghệ biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Tuy nhiên, hiện nay, sự thay đổi này chủ yếu thấy rõ ở dòng phim do tư nhân đầu tư sản xuất, còn dấu ấn dòng phim “nhà nước đặt hàng” thì khá mờ nhạt trên “thị trường điện ảnh” và khó khăn trong khâu phát hành ở rạp chiếu.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới thực trạng trên là do hành lang pháp lý cho việc phát triển công nghiệp điện ảnh vẫn chưa hoàn thiện. Phát biểu tại hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp Điện ảnh Việt Nam” do Cục Điện ảnh tổ chức gần đây ở Lâm Đồng, bà Ngô Thị Ngọc Oanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng hiện nay, các chính sách khuyến khích về xã hội hóa hoạt động văn hóa đã lỗi thời, luật pháp hiện hành có nhiều thay đổi nên một số quy định thiếu khả thi. Để đảm bảo thực thi có hiệu quả các chính sách phát triển điện ảnh, bà Oanh kiến nghị với Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật đất đai, Luật đầu tư và Luật thuế có liên quan theo hướng cụ thể hóa chính sách đầu tư cho văn hóa, trong đó có điện ảnh.
Bên cạnh đó, bà Oanh cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành các chính sách mới về khuyến khích xã hội hóa hoạt động văn hóa phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Để tăng sự hiện diện của điện ảnh Việt Nam trên thị trường thế giới, bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, cho rằng Nhà nước cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Bà Vân cũng gợi ý một số biện pháp cụ thể như: cần tạo điều kiện, hỗ trợ các nhà làm phim trong nước tham dự các liên hoan phim quốc tế; tăng cường giới thiệu điện ảnh Việt Nam tại các sự kiện quốc tế; có những chính sách cụ thể ưu đãi về thuế, tinh gọn thủ tục hành chính và các ưu đãi hỗ trợ nhà làm phim ở các địa phương.
Đặc biệt, theo bà Vân, việc tạo điều kiện thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh và vận hành thường xuyên, lâu dài sẽ hỗ trợ, nuôi dưỡng các tài năng trẻ, từ đó hỗ trợ quá trình sản xuất, phát hành, quảng bá phim ra nước ngoài, tạo cú huých cho điện ảnh Việt Nam cất cánh.
Trong khi đó, một số chuyên gia cũng nêu bật tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ đạo diễn và nhà sản xuất. Theo các chuyên gia này, cần tạo điều kiện cho họ tham gia các khóa đào tạo chính quy ở những nước có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển, đồng thời tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao tay nghề ngắn hạn ở trong và ngoài nước./.
Mỹ Hà