Bên cạnh các yếu tố vốn, tài nguyên, lao động, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng trong thời gian tới tiếp tục khai thác các nhân tố tổng hợp về mức độ ứng dụng khoa học – công nghệ, nhằm đạt chất lượng mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Canh tác hoa hồng thương phẩm gắn với tham quan, trải nghiệm để tăng trưởng doanh thu tại làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt |
• 3 NHÓM CHỈ TIÊU ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG
Toàn tỉnh đang ứng dụng trên 456 ha công nghệ thông minh, công nghệ số chăm sóc cây trồng sinh trưởng tối ưu bằng hệ thống cảm biến IoT, qua đó giảm các tỷ lệ chi phí đầu vào 30 – 50% lượng nước tưới và nhân công; 10 – 20% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng lợi nhuận 15 – 20%; trong sơ chế, chế biến đã tăng giá trị nông sản vượt trội so với các quy trình phân loại thông thường.
Cụ thể, với rau, củ, quả, hoa, toàn tỉnh hiện có 123 cơ sở chế biến (44.000 tấn /năm); 933 cơ sở sơ chế (1,5 triệu tấn/năm); 276 cơ sở sơ chế cà phê nhân (300.000 tấn/năm); 172 doanh nghiệp chế biến cà phê rang xay (10.000 tấn); 226 cơ sở sơ chế, chế biến chè (49.000 tấn/năm); 90 cơ sở chế biến trái cây (11.500 tấn/năm), đạt trên 70% sản lượng. Trong sản xuất nguồn giống chăn nuôi mỗi năm gồm có 13 trang trại (750.000 con heo giống/năm); 3 cơ sở chăn nuôi gà (20 triệu con gà giống/năm); 20 cơ sở thủy sản (3 triệu con cá giống/năm).
Cùng với việc đầu tư chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng nông sản, thời gian qua, Lâm Đồng đã xây dựng thành công thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” với nhiều chủng loại cà phê Arabica, rau, hoa, chè, du lịch canh nông và đang mở rộng thêm các sản phẩm hồng ăn trái, atiso, chè Ô long, rau, củ, quả chế biến… Đồng thời, có 37 nhãn hiệu cộng đồng (trong đó có 26 nhãn hiệu độc quyền); 1.455 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu nhiều sản phẩm đặc trưng; 177 sản phẩm OCOP (trong đó có 2 sản phẩm OCOP quốc gia; 94 sản phẩm OCOP cấp tỉnh); 33 mã vùng sầu riêng 2.153 ha; 2 mã vùng chanh dây 111 ha và 5 mã số cơ sở đóng gói với tổng diện tích nhà xưởng 5.623 m2…
Nhận định của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng về mức độ ứng dụng công nghệ giống hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu cây, con phục vụ sản xuất trên địa bàn. Đáng nói trong sản xuất nông nghiệp, giống là yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo ra sản phẩm có giá trị, chất lượng và đem lại hiệu quả cao nhất. Vì thế, tiềm năng trong việc phát triển công nghệ sản xuất giống còn rất lớn, nên việc thu hút đầu tư xây dựng một trung tâm sản xuất giống gốc, có bản quyền trên các nhóm cây rau, hoa, dược liệu sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng của ngành thời gian tới…
Mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đến năm 2030 được xây dựng với 3 nhóm chỉ tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, tăng trưởng nhóm chỉ tiêu về kinh tế 4 – 4,5%/năm; cơ cấu trồng trọt 75 – 78%, chăn nuôi 18 – 20%, dịch vụ 4 – 5%; tổng mức đầu tư tăng 1,5 – 2 lần; 80% chuỗi liên kết doanh nghiệp tham gia; giá trị sản xuất bình quân 300 triệu đồng/ha/năm; tỷ trọng xuất khẩu nông sản chế biến hơn 35%. Nhóm chỉ tiêu về xã hội giảm xuống dưới 50% lao động nông nghiệp; tăng gấp 2,5 – 3 lần thu nhập bình quân người dân nông thôn; giảm hộ nghèo trên 1,5%/năm; cứng hóa 90% đường trục chính nội đồng; 75% diện tích canh tác được tưới. Nhóm chỉ tiêu về môi trường giảm 10% tổng lượng phát thải khí nhà kính; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định trên 54%…
• TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP SẢN XUẤT HÀNG HÓA LỚN
Giải pháp chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng đến năm 2030, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục khai thác quỹ đất canh tác nông nghiệp phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, lựa chọn các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Như cây hằng năm tập trung phát triển các vùng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, đảm bảo an ninh lương thực từ 14.000 – 15.000 ha; ổn định hệ số sử dụng đất canh tác rau, hoa 3 – 3,5; hình thành các vùng sản xuất dược liệu, dâu tằm gắn với thị trường. Các loại cây lâu năm, nhân rộng diện tích cà phê, chè theo tiêu chuẩn bền vững; phát triển diện tích cây ăn quả, cây đặc sản, đặc hữu (sầu riêng, bơ, chuối, chanh leo, hồng, dâu tây…); trồng xen cây ăn quả, cây đa mục đích trên 50% diện tích cây công nghiệp dài ngày.
Trong lĩnh vực chăn nuôi – thủy sản, mở rộng vùng chăn nuôi bò sữa tại các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên; phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bán thâm canh, thâm canh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm; phục hồi các loài thủy sản giá trị kinh tế, duy trì đa dạng sinh học tại các hồ chứa, đập thủy lợi và hệ thống sông Đồng Nai.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng rừng trồng, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng lựa chọn cây rừng giống mới chất lượng cao, các loại dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ… để thâm canh, tăng diện tích rừng trồng gỗ lớn nguyên liệu đáp ứng phát triển công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, dược liệu. Đồng thời, sử dụng hợp lý diện tích đất lâm nghiệp, nguồn nước để phát triển nuôi cá hồi, cá tầm; kết hợp bảo vệ rừng với phát triển kinh tế bền vững thông qua các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, trồng dược liệu dưới tán rừng…
“Để đổi mới hiệu quả mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng với các giải pháp sản xuất hàng hóa lớn đến năm 2030, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển đổi gắn với phát triển công nghiệp và dịch vụ; xây dựng nông thôn mới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng tăng trưởng và thu nhập cho nông dân trên địa bàn…”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng nhấn mạnh mục tiêu chung.