Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Trong những năm qua hoạt động báo chí đã từng bước góp phần khẳng định, nâng cao vai trò, vị trí của nam giới, phụ nữ. Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới đã được các cơ quan báo chí xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, được thể hiện rất rõ trên tất cả các loại hình báo chí.
Các tác phẩm báo chí được đầu tư công phu góp phần làm thay đổi, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới của các cấp, các ngành và toàn xã hội, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tuyên truyền về bình đẳng giới vẫn chưa đạt yêu cầu mong muốn.
Chuyên gia Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng chia sẻ về một thực tế là nam giới thường được đăng tải thông tin nhiều khi tham gia vào hoạt động kinh tế, và đúng là họ đã tham gia vào hoạt động này nhiều hơn nữ giới. Báo chí đã phản ánh đúng câu chuyện này nhưng đã khiến nhiều người hiểu vai trò làm kinh tế chủ yếu là nam giới. Như vậy không phải do lỗi của người làm báo mà thực tế đời sống – xã hội đang phản chiếu. Tuy nhiên, điều này vô tình làm cho vấn đề giới nặng nề hơn, vô hình trung giúp cho việc tiếp nhận trong xã hội theo khuôn mẫu đó.
Thực tế sự kỳ thị về giới cũng nằm trong cách nhận định, bình luận về một vấn đề, báo chí thường phán ánh tâm tư, nguyện vọng người dân cho công chúng hay cho các nhà lãnh đạo đồng thời định hướng dư luận liên quan đến vấn đề giới. Vì thế nhà báo phóng viên bình luận, thảo luận về một vấn đề, nếu người viết hiểu biết về bình đẳng giới, nhạy cảm giới sẽ cho vấn đề được nêu trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta rất dễ phán xét hoặc bình luận không đúng về giới.
Để công tác tuyên truyền về bình đẳng giới của báo chí được hiệu quả, chuyên gia Lê Văn Sơn chia sẻ: Chúng ta cần có trách nhiệm khi phản ánh về vấn đề giới, khi chúng ta phân tích những khía cạnh liên quan đến con người, về giới chúng ta cố gắng phản ánh đúng những tác động đến từng giới, nhóm đối tượng nào để người đọc hiểu đúng và hiểu sâu vào các nhóm đối tượng khác nhau trong đó có cả nam và nữ. Có như vậy bài viết sẽ tốt hơn. Nhà báo sử dụng hình ảnh, cốt truyện, thông điệp, nhân vật, ngôn ngữ để thay đổi góc nhìn theo hướng không định kiến về giới mà nhìn một cách chân thực.
Không chỉ báo chí tuyên truyền góp phần lan tỏa tinh thần bình đẳng giới đến cộng đồng mà công tác bình đẳng giới ngay trong mỗi toà soạn các cơ quan báo chí cũng được diễn ra. Trong nhiều năm qua vai trò của nhà báo nữ đã tiến một bước rất dài trong ngành báo chí, các nhà báo nữ đã không còn khó xin việc do định kiến của các toà soạn đối với nhà báo nữ như trước kia. Từ quay phim, chụp ảnh, điều tra… cả nam và nữ đều làm tốt công việc và có sự bình đẳng.
Hội Nhà báo Việt Nam cũng có nhiều chương trình đào tạo về giới, Hội cũng phối hợp với các đơn vị xây dựng những đề án, chương trình lồng ghép về bình đẳng giới, có những hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Cố gắng để vai trò của người phụ nữ làm báo chí truyền thông được phát triển hơn nữa.
Nhà báo Nguyễn Thị Thục Hạnh, Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam cho biết, bản thân tôi đã tham gia nhiều chương trình khóa học về bình đẳng giới, và Báo Phụ nữ Việt Nam cũng liên tục đào tạo vấn đề này cho phóng viên. Làm ở Báo Phụ nữ Việt Nam nhưng các nam phóng viên cũng được quan tâm. Chúng tôi có lúc hơn 60% là nam giới, duy trì tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Nam giới. Câu lạc bộ Nam giới của báo phát triển rất mạnh mẽ, cũng chính vì thế chị em phụ nữ cảm thấy sự bình đẳng, cảm thấy hạnh phúc. Không phân biệt nam nữ, tốt xấu, chúng ta chấp nhận sự khác biệt.
Để có những chiến lược dài hơi về bình đẳng giới trong hoạt động báo chí, nhà báo Nguyễn Thị Thục Hạnh mong muốn trong các trường, đặc biệt là các trường đào tạo về báo chí đưa nội dung hoặc có môn học chuyên đề về giới trong các trường báo chí. Tôi mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng tổ chức Oxfam tại Việt Nam và cả chúng tôi xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, trong đó có cả đào tạo lãnh đạo các cơ quan báo chí về giới từ đó lan tỏa tinh thần tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên tôi nghĩ đây là hành trình còn dài, trong thời gian tới cần làm những việc làm cụ thể, những hoạt động cụ thể hơn.
Có thể nói báo chí có sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng. Việc tuyên truyền, vận động, lan tỏa những hình ảnh, thông điệp đúng đắn, sâu sắc, toàn diện về bình đẳng giới vừa là vai trò và cũng là thách thức đối với báo chí trong thời gian tới. Vì thế mỗi cơ quan báo chí cũng cần tạo ra và duy trì các khuôn mẫu, chuẩn mực mới tiến bộ, phù hợp với sự phát triển, đồng thời dần dần loại bỏ những khuôn mẫu và chuẩn mực cũ không còn phù hợp.