Ngày 23/11, cô Wang, một phụ nữ người Trung Quốc, đã đăng tải hóa đơn tại nhà hàng lẩu lên mạng xã hội và vô tình đính kèm mã QR đặt món. Nhiều người đã lợi dụng điều này và liên tục đặt hàng nghìn phần ăn dưới danh nghĩa của cô.
Wang đã xóa bài đăng ngay sau khi phát hiện ra vấn đề, tuy nhiên, có thể mã QR đã được tải xuống và lan truyền nên đơn hàng vẫn tiếp tục tăng thêm. Hậu quả là cô phải nhận hóa đơn thanh toán số tiền lên tới 430.000 nhân dân tệ (60.000 USD).
Rất may, nhà hàng sau đó đã hủy bỏ tất cả các lệnh đặt hàng, giúp cô Wang tránh được tai nạn “trên trời rơi xuống”. Theo ban quản lý cửa hàng cho biết, họ không thể truy tìm những người đã đặt đồ ăn cũng như không thể ngăn cản mọi người tiếp tục đặt món.
Cô Wang gọi đây là một bài học đắt giá và kêu gọi mọi người nâng cao nhận thức về bảo mật thông tin, cũng như nên cẩn thận hơn khi chia sẻ những ảnh cá nhân lên mạng xã hội.
Theo ông Lin Xiaoming, luật sư của Công ty luật Tứ Xuyên Yishang, các lệnh đặt hàng này không phải là hành động của cô Wang nên chúng không được tính là hợp lệ. Nếu gặp trường hợp tương tự, nạn nhân có thể yêu cầu nhà hàng hủy đơn, đồng thời kiện những người thực hiện lệnh đặt hàng giả để đòi bồi thường trong trường hợp gây thiệt hại tài chính.
Luật sư này cũng khuyến nghị các nhà hàng thêm cơ chế xác nhận vào quy trình đặt hàng để ngăn chặn sự cố tương tự trong tương lai.
Sự tiện lợi của mã QR giúp loại hình công nghệ này bùng nổ trong những năm gần đây ở ngành hàng bán lẻ. Tuy nhiên, chúng cũng tồn tại nhiều kẽ hở về bảo mật thông tin hơn bởi thao tác hết sức nhanh gọn. Người dùng được khuyến cáo hết sức chú ý bảo vệ mã QR cá nhân nhằm tránh các rủi ro về bảo mật thông tin và tài chính.