Vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận sở hữu khối tài nguyên du lịch vô cùng phong phú và đa dạng. Về tài nguyên du lịch tự nhiên, với thế mạnh là hệ thống đầm, vũng, vịnh, bãi biển, các đảo, gành đá với số lượng lớn, thiên nhiên ở khu vực này kết hợp hài hòa giữa núi non và biển cả tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Đặc biệt tài nguyên du lịch nhân văn ở đây cũng rất đồ sộ với nhiều lớp trầm tích văn hóa, hệ thống các di tích văn hóa lịch sử và lễ hội tín ngưỡng đặc trưng. Ngoài ra, văn hóa ẩm thực, văn hóa dân gian với nhiều loại hình dân ca, dân vũ, diễn xướng và các làng nghề truyền thống cũng góp phần giúp tài nguyên du lịch nơi đây thêm đa dạng, phong phú.
Xây dựng thương hiệu du lịch “Vịnh Xuân Đài – Điểm ngắm bình minh hấp dẫn nhất Việt Nam”.
Phú Yên hướng đến năm 2025, Vịnh Xuân Đài trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí của tỉnh, của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch quốc gia, hình thành mối liên kết bổ trợ với các điểm đến khác trong vùng như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và khu vực Tây Nguyên và đón khoảng 850 nghìn lượt khách, trong đó khoảng 25 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu nhập du lịch, đạt trên 400 tỷ đồng; có khoảng 500 buồng khách sạn; tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động, trong đó có khoảng 1.000 lao động trực tiếp.
Cùng với việc tập trung khai thác thị trường khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các đô thị phía Bắc, các tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và khách nội tỉnh; trong đó tập trung vào phân khúc thị trường khách du lịch cuối tuần, du lịch tham quan trải nghiệm trên vịnh, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, thu hút thị trường khách Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Âu; Đông Bắc Á; Đông Nam Á qua các tỉnh Tây Nguyên; trong đó tập trung vào phân khúc thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, khám phá, tìm hiểu văn hóa, lịch sử.
Vịnh Xuân Đài nằm chủ yếu trên địa bàn thị xã Sông Cầu và một phần huyện Tuy An, phía Đông Bắc tỉnh Phú Yên.
Về du lịch nghỉ dưỡng trên vịnh như du thuyền, nhà nổi (bungalow nổi); các khu nghỉ dưỡng đặc thù gắn với đá; các khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt lập trên bờ…; du lịch tham quan, trải nghiệm trên vịnh gắn với các khu nuôi trồng thủy sản; ngắm cảnh hoàng hôn trên vịnh…; du lịch thể thao, vui chơi giải trí trên vịnh, trên bờ; vui chơi giải trí theo mô hình công viên chuyên đề như: công viên hải dương, công viên kỳ quan đá…, vui chơi giải trí, tổng hợp công nghệ cao…; Du lịch sinh thái lặn biển ngắm san hô, khám phá hệ sinh thái biển…; du lịch văn hóa – lịch sử tham quan, tìm hiểu không gian văn hóa đá; tâm linh, tín ngưỡng; du lịch gắn với văn hóa ẩm thực, các loại nước mắm và bánh truyền thống.
Phát triển sản phẩm du lịch du lịch cộng đồng; du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội văn hóa truyền thống: Lễ hội vịnh Xuân Đài, Lễ hội cầu ngư, Lễ hội đua ngựa… du lịch thương mại, công vụ; du lịch gắn với mua sắm đặc sản, hàng lưu niệm…
Huy động hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển Khu DLQG, bao gồm: vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và các nguồn huy động hợp pháp khác. Trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu chức năng theo quy hoạch để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chất lượng cao.
Đầu tư ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung; hỗ trợ xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu Khu DLQG, phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra như về quy hoạch và quản lý quy hoạch, giải pháp cơ chế, chính sách; Giải pháp phát triển hệ thống hạ tầng du lịch, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, giải pháp bảo đảm an ninh, quốc phòng, giải pháp phát triển sản phẩm du lịch, giải pháp phát triển thị trường khách du lịch, giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ, giải pháp xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu khu du lịch, giải pháp bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống, thiên tai…
Với những đặc điểm về địa lý và tài nguyên du lịch của vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận, các chuyên gia khẳng định các ngành chức năng và địa phương cần quan tâm phát triển sản phẩm du lịch biển ở khu vực này.
Thanh Tùng