PGS. TS. Phạm Chiến Thắng cho rằng, giáo viên phải làm chủ AI trong giảng dạy. (Ảnh: NVCC) |
AI mở ra cơ hội mới
Theo quan điểm ông, những lợi ích mang tính cách mạng nào mà trí tuệ nhân tạo có thể mang lại cho hệ thống giáo dục hiện tại?
Trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến một cuộc cách mạng toàn diện trong lĩnh vực giáo dục, từ thay đổi phương pháp giảng dạy đến trải nghiệm học tập. AI có thể giúp tăng cường khả năng cá nhân hóa việc học của học sinh, sinh viên cho tới tự động hóa công việc của giáo viên, giảng viên, nhân viên văn phòng.
Chúng ta không thể phủ nhận những điểm ưu việt mà AI mang lại cho cả giáo viên và học sinh, giúp họ hoàn thành nhiều công việc, nhanh và có chất lượng tốt hơn.
Đầu tiên, đó là khả năng cá nhân hóa trải nghiệm học tập, một mục tiêu mà hệ thống giáo dục truyền thống luôn gặp khó khăn để đạt được. AI có thể hỗ trợ phân tích dữ liệu học tập của học sinh, từ đó đưa ra các phương án, lộ trình để nâng cao hiệu quả học tập cho từng bạn. Các dữ liệu này có thể cập nhật và đánh giá thường xuyên.
Thứ hai, AI đóng vai một công cụ hướng dẫn học tập hiệu quả. Nội dung học tập cũng có thể tùy chỉnh để phù hợp với trình độ của người học mà không mất nhiều thời gian chỉnh sửa. Ví dụ hướng dẫn học ngoại ngữ, cung cấp các dạng bài tập khác nhau, chỉnh sửa phát âm…
Thứ ba, giải phóng thời gian và công sức cho giáo viên trong một số công việc thường nhật như soạn bài giảng điện tử, chuẩn bị nội dung lên lớp, chuẩn bị các bài tập cho môn học. Bên cạnh đó, giáo viên cũng có thể thiết kế các môi trường học tập trực tuyến với sự hỗ trợ của AI để đánh giá kết quả học tập ngay trên lớp.
Cuối cùng, AI đang mở ra cơ hội mới cho việc phát triển chuyên môn của giáo viên. Thông qua việc cung cấp những kiến thức, kỹ năng mình còn thiếu, AI có thể đề xuất các phương án để cải thiện năng lực cho từng giáo viên. Ví dụ, các công cụ có thể phân tích video giảng dạy và cung cấp phản hồi về cử chỉ, ngữ điệu, hay cách sắp xếp nội dung bài giảng. Những phản hồi này giúp giáo viên cải thiện kỹ năng một cách toàn diện, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Dưới góc nhìn của ông, những thách thức lớn nhất mà các trường học đối mặt khi triển khai AI là gì? Có thể áp dụng những giải pháp chiến lược nào để vượt qua những thách thức đó?
Mặc dù mang tới nhiều giá trị mang tính đột phá cho giáo dục nói chung và các trường học nói riêng, nhưng việc triển khai AI tại cơ sở đào tạo cũng đối mặt với nhiều thách thức phức tạp. Trong đó, có bốn rào cản chính và những giải pháp cần thực hiện trong quá trình triển khai.
Một là, những thách thức về cơ sở hạ tầng để triển khai các công cụ AI phục vụ giáo viên và học sinh. Chi phí triển khai một hệ thống AI rất tốn kém, đặc biệt với những quy mô đào tạo lớn thì chi phí này càng đòi hỏi nhiều hơn. Bên cạnh đó còn là hạ tầng về viễn thông, quy trình bảo trì, bảo dưỡng, thiết bị công nghệ… Để giải quyết thách thức này đòi hỏi phải có một lộ trình đầu tư hệ thống, triển khai theo từng giai đoạn, có thể ưu tiên sử dụng các mô hình AI trực tuyến để giảm chi phí phần cứng, hoặc phát triển các phiên bản AI di động với giá thành rẻ và sử dụng linh hoạt hơn.
Hai là, dù không còn quá xa lạ với hầu hết giáo viên và học sinh, tuy nhiên, việc sử dụng AI như thế nào và sử dụng sao cho đúng vẫn còn là một khoảng trống trong nhận thức khi chưa được đào tạo cơ bản về AI. Để giải quyết vấn đề này cần có sự tham gia từ cá nhân giáo viên, học sinh tới lãnh đạo trường học và các cấp quản lý nhà nước về giáo dục. Từ đó thiết lập các chương trình đào tạo về sử dụng AI cho giáo viên, học sinh, có thể cấp chứng chỉ, hoặc tích hợp nội dung này trong các chương trình đào tạo ngành sư phạm.
Ba là, những thách thức từ những vấn đề đạo đức và quyền riêng tư khi sử dụng AI, hầu hết các nền tảng AI đều dễ dàng thu thập thông tin cá nhân của người dùng, dẫn tới việc bảo mật thông tin cho giáo viên và học sinh rất khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, khi triển khai hệ thống AI trong trường học cần áp dụng các kỹ thuật phù hợp để kiểm soát những vấn đề liên quan rò rỉ thông tin.
Cuối cùng, khi AI phổ biến và dễ tiếp cận, việc phụ thuộc vào nó hay “nghiện” AI sẽ trở thành vấn đề lớn. Người học sẽ lười hơn và giáo viên sẽ ít sáng tạo hơn. Để tránh vấn đề này, trường học và giáo viên cần có quy định, chế tài sử dụng AI một cách hợp lý.
Giáo viên sử dụng phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo. (Nguồn: TTX) |
Giáo viên phải làm chủ AI
Vai trò của giáo viên sẽ như thế nào trong kỷ nguyên AI, những kỹ năng chuyên môn nào cần được ưu tiên phát triển để thích ứng và phát huy tối đa hiệu quả giảng dạy, thưa ông?
Để không bị thay thế, giáo viên cần trở thành những "ngọn hải đăng", định hướng tư duy và giá trị đạo đức đúng đắn trong thời đại số. AI có thể cung cấp thông tin và hỗ trợ giảng dạy, nhưng chính giáo viên mới là người giúp học sinh đánh giá, phân tích thông tin đa chiều và hiểu bản chất của tri thức. Bên cạnh việc sử dụng công nghệ để tạo ra những bài giảng điện tử hấp dẫn, cần duy trì tương tác với học sinh, thúc đẩy động lực học tập và giải quyết các vấn đề cảm xúc của học sinh.
Để thích ứng, giáo viên cần ưu tiên phát triển một số kỹ năng chuyên môn quan trọng. Đầu tiên là kỹ năng công nghệ và sử dụng thành thạo các công cụ trong giáo dục. Tiếp theo là tận dụng khả năng phân tích dữ liệu và ra quyết định dựa trên các báo cáo của AI về học sinh. Giáo viên cần nắm vững các nguyên tắc về đạo đức AI và bảo mật dữ liệu để bảo đảm sự công bằng và bảo vệ quyền riêng tư của học sinh. Ngoài ra, việc phát triển tư duy sáng tạo trong thiết kế các bài tập vượt khả năng của AI cũng là những yếu tố quan trọng để giáo viên phát huy tối đa hiệu quả giảng dạy trong thời đại mới.
Trong kỷ nguyên số, các trường học cũng cần xây dựng chiến lược toàn diện. Điều này bao gồm việc tích hợp đào tạo AI vào chương trình sư phạm, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ sử dụng AI trong trường học và thiết lập nền tảng chia sẻ tài nguyên AI giữa các cơ sở giáo dục. Quan trọng hơn cả, cần duy trì sự cân bằng giữa ứng dụng công nghệ và giữ gìn giá trị con người trong giáo dục.
Giáo viên trong kỷ nguyên AI cần trở thành những “kiến trúc sư” trong lĩnh vực giáo dục, người kết nối công nghệ với giá trị nhân văn, làm chủ AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực trong khi vẫn phát huy các kỹ năng độc đáo của con người như tư duy phản biện, sáng tạo và trí tuệ cảm xúc.
Làm sao để chúng ta có thể bảo đảm rằng AI được sử dụng một cách công bằng, có đạo đức và minh bạch trong giáo dục?
Để công nghệ được sử dụng một cách công bằng, có đạo đức và minh bạch trong giáo dục, thì việc xây dựng một khung đạo đức toàn diện dựa trên các nguyên tắc cốt lõi như công bằng, minh bạch, trách nhiệm, quyền riêng tư và tính trung thực là điều tối quan trọng ở thời điểm hiện tại. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà phát triển AI, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách trong thiết lập các quy tắc sử dụng một cách rõ ràng, đồng thời tăng cường đào tạo về đạo đức trong sử dụng AI cho cả giáo viên và học sinh.
Bên cạnh đó, việc triển khai AI trong giáo dục cần được cân nhắc kỹ lưỡng để cân bằng giữa lợi ích và rủi ro. Các trường học cần xây dựng các chính sách sử dụng AI có trách nhiệm, bao gồm việc đánh giá tác động đạo đức, kiểm tra tính công bằng của thuật toán và thiết lập cơ chế giám sát với sự tham gia của con người.
Đồng thời, cần chú trọng vào việc phát triển các kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo cho học sinh, để AI chỉ đóng vai trò hỗ trợ chứ không thay thế hoàn toàn vai trò của con người. Như vậy, chúng ta có thể tận dụng tiềm năng của AI để nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời duy trì các giá trị đạo đức và nhân văn cốt lõi của hoạt động dạy và học.
Theo ông, cần làm gì để đánh giá hiệu quả của việc triển khai AI trong giáo dục và những chỉ số nào nên được sử dụng để đo lường tác động của nó đối với học sinh và giáo viên?
Đánh giá hiệu quả của việc triển khai AI trong giáo dục không dễ, đặc biệt là ở thời điểm hiện tại, khi AI vẫn còn đang ở giai đoạn thử nghiệm trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, cần tiếp cận toàn diện, kết hợp các chỉ số định lượng và định tính để đo lường tác động đa chiều mà AI mang lại. Các chỉ số chính cần tập trung vào ba nhóm: tác động đến người học, hỗ trợ giảng dạy và hiệu suất hệ thống.
Đối với học sinh, cần đánh giá khả năng học tập thông qua điểm số, tỷ lệ hoàn thành bài tập và khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tế. Tính chủ động trong học tập và sự phát triển của các kỹ năng mềm cũng là những chỉ số quan trọng. Về phía giáo viên, cần đo lường hiệu suất công việc thông qua thời gian tiết kiệm được từ tự động hóa, chất lượng giảng dạy và mức độ phát triển chuyên môn trong việc sử dụng công cụ AI.
Phương pháp đánh giá nên kết hợp phân tích dữ liệu lớn từ hệ thống quản lý học tập, khảo sát định kỳ về sự hài lòng của giáo viên và học sinh, kiểm tra thực nghiệm so sánh kết quả giữa nhóm sử dụng AI và nhóm truyền thống, cũng như đánh giá đạo đức để bảo đảm tính trung thực của nội dung do AI tạo ra.
Qua cách đánh giá này, nhà quản lý có thể hiểu một cách toàn diện về tác động của AI, từ đó đưa ra những điều chỉnh và cải tiến phù hợp, tối ưu hóa việc sử dụng công nghệ này trong môi trường học tập.
Với kinh nghiệm và chuyên môn của mình, ông có dự đoán và khuyến nghị gì về tương lai của giáo dục trong bối cảnh AI ngày càng phát triển?
Theo những quan sát và nghiên cứu mà tôi đã thực hiện trong thời gian gần đây về AI, có thể chỉ ra rằng, việc ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục sẽ phổ biến hơn, bởi tính hữu dụng của nó đối với giáo viên và học sinh ngày càng ấn tượng. AI hỗ trợ giáo viên trong nhiều khía cạnh như soạn bài, chấm điểm và phản hồi cho học sinh.
Đối với học sinh, xu hướng cá nhân hóa trong học tập sẽ phát triển mạnh nhờ AI trong việc phân tích dữ liệu học tập và điều chỉnh nội dung phù hợp với từng cá nhân. Bên cạnh đó, AI sẽ giúp cải thiện hệ thống đánh giá và phân tích học tập, cung cấp thông tin chi tiết hơn về tiến độ của học sinh.
Thời gian tiến hóa của AI hiện nay không còn tính theo ngày, mà gần như quá trình cập nhật diễn ra một cách thường xuyên và liên tục. Do đó, để có thể giữ được vai trò truyền thống của giáo viên mà vẫn tận dụng được thế mạnh của công nghệ thì các trường học cần xây dựng chiến lược và hướng dẫn rõ ràng về việc sử dụng AI một cách có đạo đức và hiệu quả.
Việc đầu tư đào tạo giáo viên về cách sử dụng và tích hợp AI vào giảng dạy cũng là ưu tiên hàng đầu. Các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục và chuyên gia công nghệ cần hợp tác chặt chẽ để phát triển AI trong giáo dục một cách có trách nhiệm, đồng thời tập trung nghiên cứu về tác động của AI đối với kết quả học tập và hiệu quả giảng dạy.
Xin cảm ơn ông!
(*) Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên)
Nguồn: https://baoquocte.vn/de-khong-loi-thoi-giao-vien-phai-giong-nhu-kien-truc-su-trong-ky-nguyen-ai-309110.html
Bình luận (0)