SGGP
Hàng năm, Việt Nam có 47 triệu tấn rơm rạ, riêng vựa lúa ĐBSCL có trên 25 triệu tấn rơm. Thế nhưng chỉ có khoảng 20%-30% số rơm rạ được thu hồi để làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót vận chuyển trái cây… Tận dụng xử lý rơm rạ là tối đa tuần hoàn nguyên liệu trong sản xuất nông nghiệp; giải quyết được tình trạng đốt rơm rạ gây lãng phí.
Các nhà khoa học đã chỉ ra, ĐBSCL với sản lượng thu hoạch mỗi năm khoảng 24 triệu tấn lúa, đồng thời tạo ra khoảng 26-27 triệu tấn rơm rạ. Hiện tại, khoảng 70% lượng rơm rạ là đốt trên đồng hoặc vùi vào đất. Thế nhưng đốt rơm gây mất các chất dinh dưỡng có trong rơm, mất đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường; trong khi vùi rơm vào ruộng ngập nước gây tăng phát thải khí mê tan và khí thải nhà kính. Thực trạng trên cho thấy, cần có chính sách và hướng dẫn kỹ thuật cụ thể để quản lý và sử dụng rơm rạ ở ĐBSCL nói riêng, ở Việt Nam nói chung theo định hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp.
Thật ra, tình trạng nông dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch đã được báo động trong nhiều năm qua. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để hạn chế tình trạng này nhưng đến nay vẫn còn đến 70% rơm rạ đốt hoặc vùi vào đất, chỉ có 30% được thu gom để sử dụng. Các nhà khoa học cho rằng: Vấn đề đặt ra ở đây là phải sử dụng hết lượng rơm rạ này, phải biến nó thành tiền chứ không phải thứ bỏ đi, không những thành tiền cho nông dân, cho doanh nghiệp mà còn không làm hại cho môi trường, đó là mục tiêu hướng tới.
Bộ NN-PTNT đã làm việc với các tỉnh ĐBSCL sớm trình Chính phủ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, phụ phẩm nông nghiệp là tài nguyên cần phải phát huy để nâng cao giá trị, giúp tăng thu nhập; và lượng rơm rạ rất lớn này cần phải tạo ra giá trị tăng thêm ngoài hạt gạo.
Một tín hiệu lạc quan là gần đây, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) đã phối hợp với Bộ NN-PTNT và các đối tác liên quan triển khai các giải pháp công nghệ chuyển đổi lúa chất lượng cao và phát thải thấp cho Việt Nam, thông qua tổ chức các sự kiện trình diễn đồng ruộng về cơ giới hóa gieo sạ chính xác, các công nghệ và thiết bị hỗ trợ nông nghiệp tuần hoàn như cơ giới hóa thu gom rơm khô và rơm ướt, sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm… Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), quy trình và sổ tay hướng dẫn quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp ở ĐBSCL sẽ được công bố và ra mắt. Đây là cơ sở để hỗ trợ cho các hộ nông dân, cán bộ khuyến nông, hợp tác xã, doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu và những người quan tâm đến sản xuất lúa gạo theo hướng tuần hoàn gắn với giảm phát thải khí nhà kính.