Báo Thanh Niên vừa đăng tải loạt bài Pháp luật còn chồng chéo, nhiều vướng mắc, chỉ ra những tồn tại trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) khiến người dân, doanh nghiệp và cả đội ngũ cán bộ thực thi gặp khó khăn.
Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp), cho rằng những bất cập, chồng chéo của pháp luật đến từ cả hai phía: bản thân văn bản có sự bất cập và đội ngũ áp dụng văn bản đôi khi chưa thống nhất về cách hiểu.
Bất cập có, nhưng do cách hiểu cũng có
PV: Tại kỳ họp thứ 5 khóa XV, Quốc hội ban hành Nghị quyết 101/2023 yêu cầu tổ chức rà soát hệ thống VBQPPL. Tại kỳ họp thứ 6 sau đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết 110/2023 yêu cầu xử lý kết quả sau rà soát và tiếp tục rà soát các vấn đề phát sinh. Đến nay, việc rà soát và khắc phục sau rà soát đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?
Cục trưởng Hồ Quang Huy: Kỳ họp Chính phủ với địa phương mới đây đã cho ý kiến đối với dự thảo kết quả rà soát hệ thống VBQPPL. So với lần rà soát theo Nghị quyết 101, ở lần rà soát thứ 2 theo Nghị quyết 110, số lượng các vấn đề bất cập, mâu thuẫn giảm đi đáng kể.
Điều đáng mừng nhất là các bộ, ngành đã bắt tay vào sửa đổi, bổ sung các quy định đã được chỉ ra tại cuộc rà soát lần đầu. Đến nay, trên cơ sở nỗ lực của các bộ, ngành, tổ công tác đã tổng hợp, có 53/214 kiến nghị đã được xử lý, tập trung vào các lĩnh vực rất quan trọng như đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở, quản lý sử dụng tài sản công…
Những thay đổi đã góp phần gỡ vướng về mặt thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Quy trình để ban hành một VBQPPL không thể “đốt cháy giai đoạn” mà phải đảm bảo đúng các bước theo quy định tại luật Ban hành VBQPPL. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn như vậy mà đã tháo gỡ được rất nhiều nội dung. Đây là một trong những kết quả lớn nhất, cũng là đích đến cuối cùng của cuộc rà soát.
Qua 2 lần rà soát, ông đánh giá thế nào về hệ thống VBQPPL của Việt Nam. Số lượng văn bản có nội dung bất cập, chồng chéo đã được chỉ ra có phải là nguyên nhân gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ thực thi, thậm chí dẫn tới câu chuyện “né tránh, sợ trách nhiệm”?
– Việc nhận diện bước đầu các nội dung bất cập, mâu thuẫn như vậy cho thấy hệ thống pháp luật của Việt Nam cơ bản là đồng bộ, không có sơ hở. Bất cập chủ yếu do thay đổi của thực tiễn nhưng chưa theo kịp, phải tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện.
Chưa kể, khi tiếp cận hệ thống văn bản để rà soát, chúng tôi thấy số lượng văn bản cần rà soát rất lớn. Nhưng khi bắt tay vào phân loại và xác định nội dung này có đúng là mâu thuẫn, bất cập, chồng chéo hay không thì mới nhận ra một điều rằng, có những vấn đề do cách hiểu và do khâu tổ chức thi hành, chứ không phải do bản thân của quy định có vấn đề.
Cũng vì thế, qua cuộc rà soát này, ngoài những nội dung đúng là có mâu thuẫn, chồng chéo cần tập trung xử lý để hoàn thiện, thì cũng là dịp để các bộ, ngành ngồi lại với nhau thống nhất cách hiểu, từ đó có hướng dẫn cách áp dụng sao cho phù hợp với quy định pháp luật do cách tiếp cận chưa đầy đủ, chính xác, chưa mang tính tổng thể và bản chất vấn đề nằm ở khâu nhận thức và tổ chức thực hiện các quy định.
Chúng tôi đã họp với các bộ, ngành, thống nhất quan điểm xử lý: vấn đề nào thuộc luật thì báo cáo Quốc hội, vấn đề nào thuộc nghị định thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, vấn đề nào thuộc thẩm quyền, trách nhiệm bộ, ngành thì bộ, ngành theo thẩm quyền được giao có trách nhiệm xử lý theo quy định. Sau đó tổng hợp thành báo cáo chung để báo cáo Quốc hội cho ý kiến, tiếp tục giám sát thực hiện.
“Khó như theo quy định”, vì đâu?
Lâu nay có câu chuyện “khó như theo quy định”. Nghĩa là, người dân hoặc doanh nghiệp gặp khó khăn đành xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, nhưng cơ quan đó lại trả lời bằng việc trích điều, khoản luật rồi bảo “thực hiện theo quy định pháp luật”. Theo quy định thì đương nhiên phải theo rồi, nhưng như đã nói, có những quy định rất khó triển khai trên thực tiễn?
– Thực tế đúng là có những câu chuyện như vậy. Có những quy định dẫn đến cách hiểu khác nhau hoặc là đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, rất khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, quá trình rà soát đã chỉ ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong các quy định. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhận diện được những lĩnh vực, vấn đề mà người dân, doanh nghiệp gặp khó trong quá trình tiếp cận và áp dụng quy định pháp luật. Từ đó, các bộ, ngành có dịp xác định được những gì cần phải hướng dẫn, làm sao người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận quan điểm, cách thức, nội dung đã được thể hiện trong quy định pháp luật.
Trong kiến nghị của tổ công tác gửi đến các bộ, ngành, đối với những vướng mắc, bất cập mà do cách hiểu chưa thống nhất, thì đề nghị các bộ phải có cách thức, phương án hướng dẫn, làm sao để thống nhất cách hiểu, làm sao để pháp luật nhanh chóng đi vào thực tiễn. Đó cũng là mục tiêu đề ra trong quá trình rà soát.
Theo ông, giải pháp nào để nâng cao chất lượng xây dựng VBQPPL, để không cần các cuộc tổng rà soát nữa? Bất cứ VBQPPL nào cũng cần sự minh bạch, không cài cắm lợi ích và càng không thể có nhiều cách hiểu theo kiểu “thế nào cũng đúng”?
– Để giảm thiểu khối lượng rà soát mang tính chất định kỳ, liên ngành thì chúng ta cần quan tâm, đầu tư hơn nữa để có thể nâng cao chất lượng xây dựng VBQPPL, từ khâu đề xuất chính sách, cho đến khâu soạn thảo để quy phạm hóa các chính sách đã được thông qua trên cơ sở bám sát các quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện một cách chủ động, đầy đủ, thực chất.
Thứ nữa, chúng ta phải thường xuyên rà soát. Luật Ban hành VBQPPL đã quy định rõ, trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng các ngành phải chịu trách nhiệm về việc rà soát văn bản đối với lĩnh vực mình phụ trách.
Không nên để một thời gian dài mới tiến hành rà soát, mà ngay khi có căn cứ rà soát thì văn bản phải được rà soát ngay, nghĩa là cần coi việc rà soát là công việc thường xuyên, thuộc về trách nhiệm của từng bộ, ngành để kịp thời phát hiện và xử lý ngay những mâu thuẫn, bất cập, vướng mắc.
Nếu thực hiện tốt những việc nêu trên, với cách làm như vậy, tôi tin rằng sẽ không chỉ giảm thiểu khối lượng công việc, mà còn giúp tăng cao chất lượng hoạt động rà soát văn bản, từ đó không cần các cuộc rà soát văn bản theo diện rộng, theo từng đợt như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Làm việc cả ngày đêm là hết sức bình thường
Ngay khi nhận nhiệm vụ về việc rà soát hệ thống VBQPPL theo các nghị quyết 101 và 110, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã dành sự quan tâm đặc biệt, từ việc chỉ đạo tổ chức về mặt hành chính, cho đến việc thường xuyên chỉ đạo, cho ý kiến về định hướng, nội dung, cách thức tiến hành rà soát.
Đặc biệt là thúc đẩy cơ chế hoạt động của tổ công tác, để làm sao tạo sự thống nhất và kịp thời, tham gia trực tiếp của các bộ, ngành, với trách nhiệm là các cơ quan trực tiếp, chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành các văn bản.
Để phục vụ hoạt động rà soát, lực lượng chuyên gia trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, đội ngũ pháp chế các bộ, ngành đã được huy động đồng bộ. Trong đó, vai trò chủ động, tích cực điều phối, xử lý chung là của Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp).
Tại Cục Kiểm tra VBQPPL, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, câu chuyện làm việc ngày đêm là hết sức bình thường và thường xuyên diễn ra. Anh em rất tâm huyết, hơn thế thời gian dành cho việc “giải bài toán khó” lại rất gấp rút, nếu không có sự tập trung cao độ thì khó mà đạt được kết quả như đã nêu.
Tôi cho rằng, cơ chế phối hợp hiệu quả, sự vào cuộc và sự quyết tâm, cùng với nguồn nhân lực chất lượng mà chúng ta huy động tham gia đã mang tới một kết quả chất lượng, quan trọng để có thể báo cáo theo đúng yêu cầu của Quốc hội.
(Ông Hồ Quang Huy)
Nguồn: https://thanhnien.vn/phap-luat-con-chong-cheo-nhieu-vuong-mac-de-khong-con-kho-nhu-theo-quy-dinh-185240615092104757.htm