Hạ điểm người khác để nâng điểm mình
Gặp bất đồng khi làm việc nhóm, thay vì cùng nhau giải quyết, một số sinh viên lại “tố” nhau lên mạng xã hội để thỏa cơn giận.
Theo lời kể của Nguyễn Hoàng Mỹ (sinh viên năm 4, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), học kỳ II năm 3, do môn học khá nặng nên giảng viên yêu cầu lập nhóm lớn, vì vậy, nhóm của nữ sinh viên buộc phải ghép với 1 nhóm khác. Tuy nhiên, nhóm phải họp đổi ý tưởng sản phẩm đến 3 lần vì trưởng nhóm đưa ra ý tưởng không cụ thể và quá sức thực hiện. Tệ hơn, sau khi chốt thực hiện, trưởng nhóm từ chức rồi cùng một số thành viên khác đột ngột bỏ học phần.
Ngay sau đó, một tài khoản ẩn danh lên mạng xã hội ‘tố’ một thành viên khác trong nhóm rằng người này ức hiếp bạn học phải hủy môn, chèn ép nhóm trưởng từ chức…
Trường hợp khác, Lâm Hiểu Lam (sinh viên năm 2, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) gặp bất công về điểm nhóm. Hiểu Lam cho biết, sau khi hoàn thành bài thuyết trình, giảng viên sẽ chấm điểm cả nhóm và điểm được chia cho các thành viên sao cho trung bình tổng điểm bằng điểm giảng viên đã chấm. Ví dụ, nếu điểm nhóm là 8 thì nhóm sẽ tự chia điểm sao cho trung bình tổng điểm vẫn được 8. Do đó, một số thành viên tìm lỗi trừ điểm lẫn nhau nhằm nâng điểm mình lên.
Nên “cố định” hay “linh động” trong làm việc nhóm?
Để hạn chế bất đồng và nâng cao hiệu quả, nhiều sinh viên chọn làm việc cùng một nhóm cố định ở tất cả các môn trong suốt thời gian học.
Nguyễn Mai Thiện Hào (sinh viên năm 3, Trường ĐH FPT Cần Thơ) cho rằng, làm việc lâu dài cùng một nhóm sẽ ít có khả năng xảy ra xích mích và mang đến hiệu quả làm việc cao hơn. “Các bài luận, bài nghiên cứu của nhóm tôi đều đạt điểm cao bởi nhóm trưởng hiểu rõ từng thành viên, phân chia nhiệm vụ theo thế mạnh từng người”, Thiện Hào chia sẻ.
Tuy nhiên, trường hợp sinh viên buộc phải làm việc với nhóm mới thì đây lại trở thành một thử thách, thậm chí có thể xảy ra xung đột ảnh hưởng đến những học phần khác. “Tranh cãi của môn này chưa giải quyết xong lại đến bất đồng của môn khác khiến tôi mệt mỏi. Do đó, tôi quyết định xin chuyển lớp để tiếp tục việc học một cách tốt nhất”, Thiện Hào cho hay.
Tuy nhiên, vẫn có sinh viên chủ động chọn làm việc ở các nhóm khác nhau để tập thích nghi với môi trường làm việc. Dương Ngọc Tú (sinh viên năm 4, Trường ĐH Hà Tĩnh) nhận thấy, làm việc đa dạng nhóm giúp nâng cao khả năng học hỏi lẫn nhau, tăng tính chủ động, giúp sinh viên luôn trong tâm thế “đặt đâu sống đó”. Nữ sinh quan niệm: “Mỗi cá nhân là một viên ngọc sáng, ai cũng có thế mạnh riêng, biết cách học hỏi những điểm tích cực sẽ giúp sinh viên tiến bộ mỗi ngày”.
Làm việc nhóm sao cho hiệu quả?
Kết quả khảo sát với 258 sinh viên năm 3 ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy, nhân tố kiến thức, kỹ năng và thái độ sẵn sàng học hỏi ảnh hưởng lớn tới quá trình làm việc nhóm. Do đó, để đạt hiệu suất cao, sinh viên không chỉ nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn rèn luyện cả thái độ khi làm việc.
Nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả của nhóm, Nguyễn Thị Bảo Trân (sinh viên năm 4, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho rằng, cần lên thời gian biểu và danh sách công việc chi tiết, phân chia nhiệm vụ rõ ràng để các thành viên chủ động nhận trách nhiệm. Khi xảy ra bất đồng, sinh viên nên chia nhỏ từng việc để giải quyết, trao đổi trực tiếp và thống nhất không chia sẻ mâu thuẫn nội bộ ra ngoài.
“Về điểm nhóm, cần để các thành viên tự đánh giá trước, sau đó nhóm trưởng sẽ chấm lại dựa trên cái nhìn khách quan. Trước khi nộp bảng điểm, nhóm trưởng phải gửi cho thành viên nhóm kiểm tra lần cuối, sau đó mới nộp cho giảng viên”, Bảo Trân chia sẻ.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, tiến sĩ Bùi Việt Thành, giảng viên khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, khẳng định, làm việc nhóm là hoạt động giúp sinh viên tăng cường khả năng học tập mang tính toàn diện vì các thành viên có thể trực tiếp hỗ trợ nhau. Tuy nhiên, nhiều sinh viên không hiểu được bản chất nên chỉ thích an toàn trong vài gương mặt quen thuộc, mất đi khả năng cọ xát thực tế, gây ra nhiều khó khăn khi tiếp xúc với môi trường làm việc thực tiễn.
Để làm việc nhóm tốt hơn, sinh viên phải có ý thức làm việc, chủ động hợp tác với bạn bè dù thân hay không. “Mọi cá nhân phải làm việc để đáp ứng nhu cầu của mỗi giảng viên, tạo ra giá trị thực sự cho môn học thay vì làm qua loa. Tinh thần đại học khác tinh thần học trung học nên tự học là yếu tố then chốt tạo nên kết quả khác biệt cho mỗi người”, thầy Thành kết luận.