Tại chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Những điều cần làm ngay sau khi thi tốt nghiệp THPT” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều qua (17.7), rất nhiều vấn đề liên quan đến xét tuyển, điểm sàn, điểm chuẩn… đã được các chuyên gia thông tin đến thí sinh (TS). Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
Về điểm sàn xét tuyển, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết: “Các em cần hết sức lưu ý điểm sàn là mức điểm tối thiểu TS phải đạt được mới có đủ điều kiện xét tuyển. Trong nay mai các trường sẽ công bố điểm sàn của từng ngành tại trường mình. Đối với khối ngành khoa học sức khỏe và sư phạm, Bộ GD-ĐT sẽ công bố trước ngày 21.7”.
Tiến sĩ Hải lưu ý điểm sàn của mỗi ngành, mỗi trường sẽ có sự khác nhau. “Đặc biệt, các em không được nhầm lẫn điểm xét tuyển là điểm trúng tuyển. Điểm chuẩn trúng tuyển có thể bằng hoặc lớn hơn điểm sàn, phụ thuộc vào chỉ tiêu, số lượng đăng ký và phổ điểm của TS đăng ký. Những năm qua có nhiều trường đưa mức điểm sàn rất thấp nhưng điểm chuẩn lại rất cao, có khi cao hơn cả 5-10 điểm”, tiến sĩ Hải đưa ra lời khuyên.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, thì cho rằng để tránh “mắc bẫy” điểm sàn, TS cần tham khảo sự chênh lệch giữa điểm sàn và điểm chuẩn của năm 2023 tại các trường và tìm hiểu chỉ tiêu năm nay của ngành học trước khi đăng ký nguyện vọng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, nhấn mạnh nếu điểm thi của TS thấp hơn hoặc bằng điểm chuẩn năm trước của ngành học tại trường mình mong muốn thì phải cân nhắc vì cơ hội trúng tuyển sẽ không cao.
Về cách thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống, tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết: “Sẽ có nhiều em có mức điểm thi tốt nghiệp cao hơn dự đoán trước đó. Lúc này, các em vẫn muốn dùng điểm thi để xét tuyển mặc dù đã trúng tuyển sớm vào một số ngành. Nếu như vậy, các em cần đặt nguyện vọng ở phương thức xét điểm thi lên đầu tiên, rồi đặt các nguyện vọng trúng tuyển sớm trước đó vào ngay sau để nếu không trúng tuyển bằng điểm thi, các em vẫn còn cơ hội đậu ở nguyện vọng trúng tuyển sớm”.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên và thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng nếu TS đã trúng tuyển có điều kiện vào nhiều ngành học và không có bất cứ sự thay đổi nào, thì chỉ cần đăng ký lên hệ thống một nguyện vọng – là ngành học tại trường học mình yêu thích.
Tuy nhiên, tiến sĩ Võ Thanh Hải đặc biệt lưu ý với những TS trúng tuyển sớm vào các ngành sức khỏe nếu không đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (học lực giỏi lớp 12, hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8.0 trở lên) thì không thể áp dụng cách đăng ký một nguyện vọng duy nhất như ở trên.
Nguồn: https://thanhnien.vn/de-khong-bi-mac-bay-diem-san-xet-tuyen-18524071801182426.htm