Bác thợ xây vi phạm nồng độ cồn ở Hà Tĩnh, sau một ngày “dang hồ” (tức dang nắng xách hồ), được chủ nhà đãi một bữa rượu đến tận khuya và… quên đường về nhà, khiến lực lượng cảnh sát giao thông sở tại phải gọi điện thoại cho vợ ông ấy đến đưa về.
“Giải mỏi” sau giờ làm
Dân ta có thói quen, cứ sau một ngày “cày cuốc”, tối đó thế nào cũng “giải mỏi” bằng rượu hoặc bia. Người nào mà tự hạn chế được bản thân thì chỉ uống đúng với “cam kết” đề ra ban đầu là chỉ làm vài cốc “giải mỏi” rồi về.
Nhưng cũng có không ít người, luôn “quá chén” nên không còn “giải mỏi” nữa mà say quắc cần câu như bác thợ xây này.
Bác thợ xây “khai báo” với cảnh sát giao thông khi họ tuýt còi kiểm tra giấy tờ rằng, ông làm thợ xây được chủ nhà cho uống rượu từ lúc gần 7 giờ cho đến tận khuya. Đã được người đi đường hướng dẫn “đường về nhà” nhưng xà quần mãi đến 3 lần rồi mà vẫn quay về chỗ xuất phát, cho đến khi gặp cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn.
“Giải mỏi” mà như bác thợ xây này không phải là trường hợp hiếm gặp mà là gần như phổ biến ở vùng nông thôn hiện nay. Chủ nhà, cứ sau một công đoạn thi công, thế nào cũng mời thợ xây một bữa rượu.
Ban đầu thì chỉ là thể hiện tấm thịnh tình của gia chủ nhưng dần dần thành một thói quen ở hầu hết các công trình xây dựng. Chủ nhà hoặc chủ thi công công trình phải đãi thợ một bữa như một “cam kết ngầm” trong nghề xây dựng vậy.
Đó là nói trước đây, say rượu mà chạy xe chỉ có… vợ càm ràm, còn bây giờ, đã uống rượu (không nhất thiết phải say) thì bị phạt tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu, thu luôn bằng lái nếu như gặp cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn.
Mà bây giờ, chuyện đo nồng độ cồn không còn là “thỉnh thoảng” nữa. Trường hợp bác thợ xây ở Hà Tĩnh nói trên vừa xui nhưng lại… hên.
Hy hữu
Uống rượu say đến mức quên đường về thì nhiều lắm nhưng say mà gặp cảnh sát giao thông vẫn không bị phạt vi phạm nồng độ cồn do được “đặc cách”, là chuyện hy hữu.
Bác thợ xây vi phạm nồng độ cồn quá may mắn vì hôm đó, đích thân Giám đốc Công an Hà Tĩnh cũng cùng tham gia kiểm tra nồng độ cồn với tổ tuần tra cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ.
Giả sử hôm ấy, nếu không có giám đốc công an thì sự việc sẽ khác. Nghĩa là bác thợ xây sẽ bị phạt kịch khung “7 – 8 triệu chứ không ít”, như lời vị giám đốc công an tỉnh nói.
Uống rượu say như thế mà bị thổi nồng độ cồn và bị phạt “kịch khung” là chuyện bình thường. Nhưng đây là trường hợp “bất thường”, do bác thợ xây được đặc cách, vì “ông ấy thật thà chất phác”. Say rượu quên đường về nhưng khi hỏi làm nghề gì thì bác ấy vẫn “trình đồ nghề” thợ xây ra để chứng minh nghề nghiệp.
Thậm chí, ông ấy vẫn nhớ “mật danh” lưu tên vợ trong điện thoại mà chỉ có ông mới hiểu tên gọi đó là ý nghĩa gì! Thay vì lưu tên vợ, ông ấy lưu “Đó rách ngáng trộ” – rặt phương ngữ Hà Tĩnh!
Nhưng bác thợ xây ấy được hưởng đặc cách không bị đo nồng độ cồn rồi bị xử phạt không hẳn vì ông ấy “thật thà chất phác”, mà cái chính là cách xử sự “linh hoạt” của những người làm nhiệm vụ. Nói đây là trường hợp hy hữu là vậy.
Suy cho cùng thì cũng là cách để mọi người hướng đến sự thiện lành
Có 2 luồng ý kiến sau khi báo chí phản ảnh, kèm clip về trường hợp này.
Luồng ý kiến thứ nhất, cho rằng đây là cách hành xử linh hoạt của lực lượng cảnh sát giao thông, mà trực tiếp là Giám đốc Công an Hà Tĩnh. Tuy không bị phạt trực tiếp, song bác thợ xây vẫn phải đến công an xã – nơi ông cư trú ngay ngày hôm sau để giải trình và viết cam kết không tái phạm nữa.
Bác thợ xây này đã làm đúng yêu cầu của cơ quan chức năng. Tin rằng, ông cũng sẽ không bao giờ tái phạm vì “phúc bất trùng lai” – điều may mắn sẽ không lặp lại nữa! Xử lý như thế chắc chắn sẽ có tác dụng hiệu quả hơn là phạt. Vì nếu phạt thì trước hết sẽ đẩy gia đình bác thợ xây vào cảnh khó khăn hơn mà sự răn đe có khi lại không cao như là “tha” cho ông ấy.
Cũng cần hiểu rằng, việc “linh hoạt” như thế, như đã nói đây là trường hợp hy hữu, nên cũng chỉ xảy ra một lần này thôi.
Người dân cũng thừa biết, mình không thể lấy trường hợp ấy ra để so bì và “kêu oan” nếu như uống rượu say mà còn lạc đường 3 lần như bác thợ xây nọ.
Có lẽ những người thực thi công vụ ở Hà Tĩnh cũng đã tính đến luồng ý kiến thứ hai, đó là “luật pháp không có vùng cấm, không có đặc cách”.
Nếu tha cho người này thì sự nghiêm minh của việc xử phạt các trường hợp khác sẽ không công bằng… Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của việc xử phạt cũng là để người vi phạm không vi phạm nữa, chứ không phải “phạt cho đáng kiếp” như nhiều người nghĩ.
Bác thợ xây, tuy không bị phạt nhưng sẽ nhớ suốt đời về hành vi của mình. Luật pháp, suy cho cùng thì cũng là cách để mọi người hướng đến sự thiện lành chứ không phải để trừng phạt.