Tái hiện nghi lễ Mừng lúa mới của dân tộc K'Ho |
Ngày hội không chỉ là dịp để các em học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh cùng nhau hòa mình vào không gian văn hóa đa sắc màu, mà còn là cơ hội để lan tỏa những nét đẹp văn hóa đặc trưng của 54 dân tộc anh em đến với cộng đồng.
Những tiết mục văn nghệ đặc sắc do chính các em học sinh nhà trường biểu diễn đã mang đến không khí sôi động và rộn ràng. Cùng với đó, nghi lễ Mừng lúa mới của dân tộc K'Ho, được tái hiện bởi đội văn nghệ cồng chiêng đến từ xã Hiệp An (huyện Đức Trọng), đã đưa người xem trở về với cội nguồn văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên. Mừng lúa mới là phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, theo chu kỳ canh tác của cây lúa, sau khi thu hoạch xong, đồng bào Tây Nguyên thường tổ chức nghi lễ Mừng lúa mới, vừa để tạ ơn Yàng và các vị thần linh đã ban cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ, đồng thời cũng là dịp bà con dân làng chung vui hưởng thành quả công sức lao động,… Đây là lễ nghi mang đậm tín ngưỡng vạn vật hữu linh, là bản sắc văn hóa độc đáo.
Một trong những hoạt động được mong chờ của ngày hội là phần trình diễn trang phục các dân tộc Việt Nam. Các em học sinh đã tự tin sải bước trên sân khấu, giới thiệu những bộ trang phục truyền thống độc đáo, thể hiện niềm tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Với nội dung này, các em hiểu hơn về ý nghĩa của trang phục dân tộc mình và các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, các gian hàng trưng bày và ẩm thực cũng thu hút đông đảo sự quan tâm của khách tham quan. Tại đây, những món ăn đặc sản của các dân tộc Tây Nguyên như: cơm lam, gà nướng, rượu cần... được giới thiệu và phục vụ, mang đến những trải nghiệm ẩm thực khó quên. Các trang phục, trang sức, vật dụng, món ăn,... được chuẩn bị và trưng bày đã phản ánh được đời sống tinh thần phong phú của các dân tộc Việt Nam. Em Ka Nhinh cho biết: “Em rất vui và xúc động khi được tham gia ngày hội văn hóa các dân tộc do nhà trường tổ chức. Thông qua ngày hội, em đã hiểu hơn về nghi lễ Mừng lúa mới, được biết về các trang phục truyền thống của từng dân tộc, được thưởng thức các món ăn đặc trưng... Em nhận ra rằng, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt, khiến em thêm tự hào về sự đa dạng văn hóa của các dân tộc trên đất nước mình. Và quan trọng hơn hết, là em được giao lưu, học hỏi, được vui chơi, kết tình đoàn kết với mọi người trong trường”.
Ngày hội khép lại với chương trình đốt lửa trại ấm áp, nơi các em học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh cùng nhau ca hát, nhảy múa, tạo nên một không gian giao lưu văn hóa đầy ý nghĩa.
Thầy Vũ Nam Lâm - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Đức Trọng, chia sẻ: "Trường PTDTNT THCS huyện Đức Trọng là nơi sinh hoạt, học tập của các em học sinh đồng bào dân tộc K'Ho, Churu, Thái, Mường, Tày, Nùng, Thổ, Dao, Raglay, Mạ, Chăm và Kinh. Ngày hội được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS Việt Nam trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung và của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Cũng thông qua ngày hội này, nhằm tạo cơ hội cho các em học sinh nhà trường được tìm hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, đây cũng là dịp để gắn kết tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em, xây dựng một môi trường giáo dục đa văn hóa, giàu bản sắc".
Ngày hội Văn hóa các dân tộc tại Trường PTDTNT THCS Đức Trọng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự. Sự kiện này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mà còn là một hoạt động giáo dục ý nghĩa, giúp các em học sinh trưởng thành hơn trong nhận thức và hành động.
Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202503/de-hoc-sinh-them-yeu-van-hoa-truyen-thong-06d1037/
Bình luận (0)