Xuất khẩu gia vị và hương liệu: Phải hướng đến chế biến sâu Xuất khẩu gia vị sang Trung đông, châu Phi: Doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường |
Các thị trường nhập khẩu lớn gồm Mỹ, châu Âu (EU), Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông… Năm 2023, Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước xuất khẩu gia vị bền vững, đa gia vị, hướng đến mục tiêu xuất khẩu toàn ngành đạt trên 2 tỷ USD trong 3 năm tới.
Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm hồ tiêu hữu cơ. Ảnh: N.H |
Tiềm năng và lợi thế lớn
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng hồ tiêu và cây gia vị đạt hơn 1,4 tỷ USD, đóng góp vào con số hơn 55 USD tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của ngành nông nghiệp năm 2022. Quý 1/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 76.727 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch đạt 235,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái tăng 40,5% về lượng song giảm 7,3% về giá trị. Cùng với đó, quế xuất khẩu được 18.685 tấn với 54,8 triệu USD, tăng 45,8% về lượng và 13,8% về giá trị. Xuất khẩu được 3.369 tấn hồi với 21,6 triệu USD, tăng 261,9% về lượng… Hiện Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới, năm 2022 gia vị Việt Nam chiếm khoảng 11% thị phần toàn cầu trong đó phải kể đến vị trí hàng đầu, chiếm thị phần nhập khẩu lớn tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông của một số gia vị Việt Nam như hồ tiêu, quế và hồi…
VPSA ước tính, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam năm 2023 tăng khoảng 5% so với 2022. Vụ mùa hồ tiêu năm 2023 của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên mức 225.000 tấn so với ước tính 200.000 tấn của vụ mùa năm ngoái. Trong khi đó, theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) sản lượng thu hoạch từ các nước sản xuất khác như Brazil, Indonesia và Ấn Độ đều dự báo giảm so với năm 2022. Tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu 2023 ước đạt 526 ngàn tấn so với 537,6 ngàn tấn của năm 2022. Sản lượng quế Việt Nam năm 2023 dự báo tăng so với năm 2022 và ước đạt khoảng 45.000 tấn. Đây là một trong những lợi thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, gần đây các thị trường nhập khẩu liên tục có những cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như gia tăng tần suất kiểm soát và siết chặt quy định MRLs đối với thực phẩm nói chung bao gồm cả gia vị của Việt Nam.
Đánh giá về thực trạng của gia vị Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Diện cho biết, điều kiện thiên nhiên ưu đãi đã tạo ra những mặt hàng gia vị quế, hồ tiêu, hồi đứng top 5 thế giới. Trong những năm qua, ngành gia vị đã có những đóng góp quan trọng trong bức tranh chung của kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp. Đặc biệt hơn nữa, đây là ngành hàng gắn bó với hơn 1 triệu hộ nông dân sản xuất nguồn nguyên liệu. Có tiềm năng và lợi thế lớn nhưng hành trình để đạt mục tiêu là nơi cung cấp gia vị tốt cho thế giới là rất gian nan. Bởi mặc dù doanh nghiệp đầu ngành đã đi đầu về ứng dụng công nghệ sản xuất trên thế giới, giúp Việt Nam có những thương hiệu nhất định. Nhưng đến hiện tại, diện tích sản xuất cây gia vị của Việt Nam vẫn còn nhỏ, manh mún, thiếu sự liên kết, “mạnh ai người nấy làm”. Do vậy, để tạo vùng nguyên liệu gia vị theo đúng nghĩa vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó là việc đáp ứng yêu cầu về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các thị trường xuất khẩu.
Nhận diện những thách thức
Đề cập đến những quy định cụ thể trong xuất khẩu gia vị mà doanh nghiệp đang mắc phải, ông Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, sản phẩm ớt chủ yếu xuất khẩu sang Malaysia, Trung Quốc… Mặc dù mỗi thị trường có những quy định chi tiết về tiêu chuẩn khác nhau nhưng tựu chung đều yêu cầu về vùng trồng bắt buộc phải có mã số, thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và được công nhận. Vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được đăng ký với co quan có thẩm quyền. Sản phẩm đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không vượt quá quy định của thị trường nhập khẩu…
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Quyên, đại diện Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) Việt Nam cũng cho rằng, thách thức lớn nhất đối với xuất khẩu hồ tiêu là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, còn với xuất khẩu quế là dư lượng kim loại nặng. Ngoài ra, là các thách thức liên quan tới môi trường như giảm phát thải carbon, khuyến khích mô hình canh tác bền vững, mô hình trồng xen một cách bền vững… Ngoài ra là các thách thức về xã hội như lao động trẻ em, lao động bình đẳng giới.
Theo ý kiến của các chuyên gia, cùng với việc gia tăng tần suất kiểm soát đối với nông sản nói chung bao gồm cả gia vị của Việt Nam, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin về tình hình thị trường và ngành hàng, nắm rõ quy định của cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cũng như các quy định của nước nhập khẩu là hết sức cần thiết. Ngoài ra, các yếu tố địa chính trị có thể là nguyên nhân chính tiếp tục gây ra những bất ổn về giá hơn là yếu tố cung cầu. Các yêu cầu và quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu về rào cản phi thuế quan tiếp tục gia tăng. Diễn biến khó lường của biển đổi khí hậu sẽ là thách thức chính đối với ngành nông nghiệp trên toàn cầu.
“Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại gay gắt, rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu (yêu cầu về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…), VPSA phải nỗ lực hơn trong việc thực hiện đúng chức năng là chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp, tiến hành tổ chức hội thảo, xúc tiến thương mại. Còn doanh nghiệp phải là trụ đỡ cho người nông dân, đặc biệt trong vấn đề kết nối vùng trồng và vùng chế biến, tăng giá trị gia vị của Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nghiên cứu, xây dựng bổ sung cơ chế để hỗ trợ cho ngành gia vị liên kết, tạo ra sản phẩm, nguyên liệu hợp pháp và đảm bảo yêu cầu của thế giới”, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp nhấn mạnh.