“Xanh hoá” không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là sự sống còn của doanh nghiệp. Vì vậy, việc đổi mới công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm và quá trình quản trị doanh nghiệp là xu hướng tất yếu.
Cánh đồng mênh mông của Tập đoàn TH với những dàn máy tưới, thu hoạch hiện đại. (Nguồn: Vietnamplus) |
Ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định như vậy tại Toạ đàm “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh” diễn ra gần đây.
Thương hiệu xanh đã trở thành một xu hướng phổ biến khi người tiêu dùng ngày càng có thu nhập cao và quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường. Từ đây, thương hiệu xanh dần trở thành một tiêu chuẩn mới để người tiêu dùng lựa chọn.
Điều này càng phù hợp hơn với định hướng phát triển của Việt Nam, thể hiện qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021.
Theo các chuyên gia, xu hướng “xanh hoá” trong xây dựng thương hiệu và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực và bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Tuy nhiên, ông Trần Lê Hồng cho rằng, điều này không dễ thực hiện, bởi đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong doanh nghiệp từ quản trị, phát triển sản phẩm, quản lý sản xuất đến kinh doanh.
“Doanh nghiệp thành công là doanh nghiệp không ngừng đổi mới sáng tạo và đi theo các hướng sản xuất xanh, thân thiện môi trường. Để đáp ứng được điều này, các doanh nghiệp Việt, trong đó có các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia đã liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến.
Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệt thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội… để cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố ‘xanh’ và ‘sạch’, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững”, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho hay.
Ông Trần Lê Hồng cho biết thêm, một số doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò tiên phong, dẫn dắt, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thách thức. Đơn cử như Tập đoàn TH với các dự án đầu tư bền vững từ Nghệ An, Tây Nguyên tới nhiều nước như Nga, Australia. Hay PTSC với các dự án điện gió tạo tiền đề phát triển năng lượng Hydro.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia trong ngành công nghiệp nặng khác cũng từng bước chuyển xanh quá trình sản xuất như Hoa Sen, Hòa Phát…
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Thanh Thuỷ, Trưởng Ban Điều phối dự án phát triển bền vững, Tập đoàn TH chia sẻ, thương hiệu quốc gia xanh được kết hợp từ ba yếu tố. Đó là: Sức mạnh thương hiệu, tư duy đổi mới sáng tạo, tiên phong.
Theo bà Thủy, ngay từ những ngày đầu xây dựng thương hiệu, Tập đoàn TH đã hướng đến chiến lược xanh, mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững, xuyên suốt thông qua việc xây dựng những chiến lược xanh, có những sáng kiến về giảm kiểu thí thải cacbon, xây dựng hệ thống năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời trên các hệ thống chuồng trại của Tập đoàn TH nhằm sản xuất ra năng lượng và giảm mức hấp thu nhiệt cho đàn bò.
Tuy nhiên, mỗi thị trường quốc tế lại có những tiêu chí riêng khắt khe và nghiêm ngặt, đòi hỏi các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam phải có sự chuẩn bị kĩ càng, lồng ghép được những ứng dụng, sáng kiến phát triển bền vững vào tất cả các hoạt động kinh doanh.
Trưởng Ban Điều phối dự án phát triển bền vững, Tập đoàn TH nhấn mạnh: “Hiện, Tập đoàn TH đã hội tụ tất cả những yếu tố cần và đủ để trở thành một thương hiệu quốc gia xanh, mạnh, đại diện cho Việt Nam vươn tầm quốc tế, khẳng định vị thế trên trường quốc tế với những sản phẩm uy tín, chất lượng”.