Đội tuyển điền kinh Việt Nam cần bước đột phá mạnh mẽ, sau năm 2023 dù thi đấu bận rộn nhưng không thành công.
Các VĐV điền kinh Việt Nam có năm 2023 đầy bận rộn khi tham dự nhiều sân chơi lớn như SEA Games, ASIAD, trước khi trở về thi đấu ở giải vô địch quốc gia, vừa hạ màn vào tháng 11 vừa qua.
Tuy được đặt nhiều kỳ vọng, nhưng đội tuyển điền kinh Việt Nam lại không gặt hái nhiều thành công như mong đợi. Tại SEA Games 32, toàn đội giành 12 HCV, bị Thái Lan vượt mặt sau 3 kỳ liên tục thống trị đường chạy Đông Nam Á.
Đến ASIAD 19, điền kinh Việt Nam không hoàn thành mục tiêu có huy chương. Nguyễn Thị Oanh thất bại ở cả hai cự ly tham gia. Trên đường chạy 1.500 m nữ, chân chạy người Bắc Giang chỉ đứng thứ 7 với thông số kém tới gần 8 giây so với ASIAD 18.
Ở nội dung sở trường 3.000 m nữ vượt chướng ngại vật, nhà vô địch SEA Games 32 đạt thông số tốt nhất trong năm của, nhưng vẫn kém xa tấm huy chương đồng mà cô đạt được tại ASIAD 18. Tức là chưa nói tới việc cạnh tranh, Nguyễn Thị Oanh chưa thể vượt qua chính mình.
Nhà vô địch ASIAD 18 Bùi Thị Thu Thảo cũng không bảo vệ thành công ngai vàng khi chỉ về thứ 8 chung cuộc tại ASIAD 19. Trong khi đó, tổ chạy tiếp sức 4×400 m cũng không thể tái hiện thành công vang dội ở giải châu Á, do chỉ về đích thứ 4 tại ASIAD 19.
Việc VĐV thi đấu không thành công ở nhiều đấu trường mang đến nỗi lo cho điền kinh Việt Nam. Hàng loạt trụ cột như Nguyễn Thị Huyền (400 m, 400 m rào), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa), Nguyễn Văn Lai (5.000 m, 10.000 m) không còn khoác áo đội tuyển, trong bối cảnh lứa VĐV mới chỉ có rất ít gương mặt đáng chú ý là Trần Thị Nhi Yến (cự ly ngắn) và Lê Thị Tuyết (cự ly dài), việc tái lập thành tích trước đây đã là điều khó, chưa nói tới vươn xa hơn ở những đấu trường lớn, trước mắt là Olympic Paris 2024.
Hiện điền kinh Việt Nam chưa có gương mặt nào chắc suất dự Olympic vào năm sau. Nhiều khả năng, chúng ta phải trông đợi vào vé đặc cách, như trường hợp của Quách Thị Lan ở Olympic Tokyo 2020 cách đây 2 năm (Quách Thị Lan sau đó lọt vào bán kết).
Dù vậy theo các chuyên gia, chuẩn mới của Olympic cho điền kinh luôn cao hơn rất nhiều so với các giải đấu trong khu vực và châu lục. Do đó, điền kinh Việt Nam cần nhìn vào thực tế để đặt mục tiêu phù hợp cho tương lai xa hơn.
“Những vấn đề nóng như công tác đào tạo, đầu tư cho VĐV đội tuyển và tuyển trẻ, việc thuê chuyên gia ngoại, tập trung đầu tư, tập huấn cho các VĐV trọng điểm ra sao sẽ được đưa ra bàn thảo, tìm giải pháp tốt nhất trong bối cảnh hiện nay của điền kinh Việt Nam”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam chia sẻ.
Điền kinh Việt Nam cần tìm hướng đi mới, trước mắt trong công tác phát hiện, tuyển chọn, đào tạo VĐV, chọn lọc nhân tài để đầu tư trọng điểm, đồng thời tính toán khâu huấn luyện và lựa chọn điểm rơi phong độ hợp lý cho VĐV, tránh trường hợp thi đấu dàn trải, quá tải dẫn đến thành tích không đảm bảo.
Ngày 5.12, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam và Công ty TNHH quốc tế Hải Long, đại diện thương hiệu thời trang thể thao Li-Ning, đã ký kết kéo dài bản hợp tác tài trợ. Theo đó, Li-Ning tiếp tục là nhà tài trợ trang phục chính thức đồng hành cùng điền kinh Việt Nam trong 3 năm (2023-2025). Thương hiện Li-Ning sẽ cung cấp trang phục, thiết bị luyện tập và thi đấu chuyên nghiệp cho các HLV, VĐV và thành viên của liên đoàn.
Gần 20 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Li-Ning đã song hành cùng thể thao Việt Nam với nhiều đội tuyển ở các giải lớn nhỏ, trong đó có đội tuyển Việt Nam ở giai đoạn 2006 – 2008, cùng một số CLB như Thể Công Viettel, Phù Đổng, đồng hành cùng Liên đoàn Cầu lông Việt Nam trong nhiều giải đấu quốc gia…
Thanhnien.vn