Phát biểu tại Toạ đàm “Chuỗi cung ứng bền vững: Cách tiếp cận mới cho doanh nghiệp” diễn ra ngày 16.11, ông Phạm Thanh Tùng – Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương – cho biết nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chuyển dịch vào Việt Nam trong thời gian gần đây.
“10 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 25 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Trong đó hơn 73% dòng vốn chảy vào công nghiệp chế biến chế tạo, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Các dự án đầu tư mới tập trung tại các tỉnh thành đặt trọng tâm công nghiệp, hướng tới chuỗi cũng ứng toàn cầu như Quảng Ninh, Hải Phòng…
Có thể nói, Việt Nam hiện là điểm đến yêu thích của nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó sẽ tạo điều kiện để chúng ta tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngay trên sân nhà” – ông Tùng nói.
Tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 vừa qua cũng như các cuộc xung đột vũ trang nổ ra, việc thích ứng linh hoạt để kinh doanh liên tục, khắc phục và vượt qua đứt gãy chuỗi cung ứng càng đặt ra yêu cầu tuân thủ cao đối với doanh nghiệp. Sự chủ động này sẽ giúp doanh nghiệp duy trì việc làm bền vững, bảo vệ sức khỏe, an toàn và đảm bảo an sinh cho người lao động.
“Với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Do đó doanh nghiệp hiện nay cần tập trung vào sản phẩm, tái cơ cấu sang chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nhân lực, thực hành phát triển bền vững, kinh doanh có trách nghiệm. Có như thế mới đáp ứng được các tiêu chí khó khăn của những công ty đa quốc gia và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu” – ông Tùng nhấn mạnh.
Đại diện Cục Công nghiệp cũng cho rằng, trên thực tế, mức độ hiểu biết, sự nắm bắt thông tin của một bộ phận doanh nghiệp Việt mà đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa về kinh doanh có trách nhiệm vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, khái niệm về trách nhiệm thẩm định trong chuỗi cung ứng vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Bà Trần Thị Hồng Liên – Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI – cho rằng, từng bước thực hiện tốt những điều trên sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội được nhà đầu tư, khách hàng quan tâm, từ đó tăng vị thế trong bối cảnh cạnh tranh cao. Đây cũng là một điểm cộng lớn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, lâu dài hơn.
Toạ đàm “Chuỗi cung ứng bền vững: Cách tiếp cận mới cho doanh nghiệp” diễn ra trong khuôn khổ của Triển lãm Quốc tế lần thứ 4 về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam (VIMEXPO 2023). Với mục tiêu kết nối để phát triển, qua 3 lần tổ chức, VIMEXPO đã nhận được sự quan tâm tham dự và ủng hộ của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo.
VIMEXPO năm nay có quy mô 7.000m2 với gần 300 gian hàng cùng sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp như Tập đoàn THACO, TOYOTA Việt Nam, TCT VEAM, Samsung Việt Nam, KOWANG, HORN & BOEHLERIT, JAAN – E… cùng các công ty đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…