Dạy thêm, học thêm cần hướng đến việc giúp học sinh có khả năng tự học và tự giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, thay vì chỉ chạy theo điểm số trong các kỳ thi.
Dạy thêm, học thêm phải giúp học sinh có khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề thay vì chạy theo điểm số. (Nguồn: TT) |
Trong bối cảnh giáo dục hiện nay, việc dạy thêm, học thêm đang trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi. Mặc dù mục đích ban đầu của hoạt động này nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức, phát triển năng lực. Nhưng thực tế, khi thiếu sự quản lý chặt chẽ, hoạt động này dễ dàng bị biến tướng, gây ra những hệ lụy không đáng có. Vậy làm thế nào để dạy thêm, học thêm không bị biến tướng, đảm bảo sự phát triển toàn diện của học sinh?
Chúng ta cần nhận thức rằng, học sinh không phải là “cỗ máy học” để thi, để đạt điểm cao. Nếu dạy thêm chỉ tập trung vào việc ôn luyện thi cử, học sinh sẽ bị “ngợp” trong việc học, không có đủ thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, khám phá thế giới xung quanh.
Theo các chuyên gia giáo dục đánh giá, việc học sinh phải dành quá nhiều thời gian cho việc học thêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện, học thêm quá nhiều cũng làm mất đi tính tự chủ của học sinh, khiến học sinh chỉ tập trung vào việc học thuộc lòng mà không hiểu sâu.
Có nhiều nguyên nhân khiến hoạt động dạy thêm, học thêm bị biến tướng chính là sự thiếu chất lượng trong phương pháp giảng dạy. Thực tế, không phải tất cả giáo viên đều có khả năng truyền đạt kiến thức hiệu quả trong các lớp học thêm.
Một số giáo viên có thể sử dụng phương pháp cứng nhắc, chỉ dạy những kiến thức mang tính thi cử mà bỏ qua sự phát triển tư duy của học sinh. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả học tập mà còn khiến các em mất đi hứng thú học hành. Do đó, dạy thêm phải chú trọng vào việc phát triển tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề của học sinh, thay vì chỉ tập trung vào việc luyện thi.
Bên cạnh đó, áp lực thi cử, áp lực thành tích cũng là vấn đề đáng suy nghĩ. Khi các kỳ thi vượt cấp, vào cấp 3 ngày càng trở nên cạnh tranh, phụ huynh và học sinh cảm thấy cần phải học thêm để đạt được kết quả cao. Đồng thời, chương trình học được cho là nặng nề, nhiều học sinh cảm thấy học ở trường chưa đủ, nên học thêm để nắm vững kiến thức. Hơn thế, sự gia tăng các trung tâm dạy thêm tạo ra một thị trường cạnh tranh.
Ngày 20/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có giải trình một số vấn đề tại phiên thảo luận về dự Luật Nhà giáo. Bộ trưởng nêu rõ, Bộ chủ trương không cấm việc dạy thêm, mà cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức hoặc trái nguyên tắc chuyên môn của nhà giáo.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Chamaleá Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) chia sẻ, thực tế, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và học sinh, phụ huynh, nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển. Không chỉ với những học sinh học tập chưa tốt, mà các em có năng lực học tập tốt vẫn có nhu cầu học thêm nhằm nâng cao kiến thức. Điều này càng có ý nghĩa với những em có nguyện vọng thi học sinh giỏi các cấp và thi vào các trường đại học thuộc tốp đầu. Do vậy, việc học sinh có nhu cầu tìm đến các thầy, cô giáo giỏi để học thêm là có thật.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) nêu quan điểm, việc dạy thêm, học thêm cũng có những mặt tích cực, không phải giáo viên nào cũng xấu, ép học sinh học thêm, có những phụ huynh học sinh vì lý do công việc không thể đón con về buổi trưa để chăm sóc. Hoặc có những người hay làm tăng ca không thể đón con sớm nên họ nhờ thầy, cô giáo đón con về chăm sóc dạy dỗ để cha mẹ an tâm làm việc. Cần tránh tình trạng không quản được thì cấm.
Để dạy thêm không bị biến tướng, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội là điều vô cùng quan trọng. Gia đình cần hiểu rõ vai trò của hoạt động này và không nên tạo áp lực quá lớn lên học sinh. Nhà trường cũng nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tăng cường các chương trình hỗ trợ học sinh một cách đa dạng để các em không chỉ học qua sách vở mà còn phát triển các kỹ năng sống. Ngoài ra, xã hội cũng phải có những chính sách khuyến khích dạy thêm hợp lý, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, không chạy theo thành tích hay những mục tiêu ngắn hạn.
Mục tiêu của dạy thêm, học thêm không phải để học sinh chỉ giỏi một môn học duy nhất mà là phát triển toàn diện. Giáo dục không chỉ giúp các em có kiến thức vững vàng mà còn phát triển kỹ năng sống, khả năng giao tiếp, tư duy phản biện và sáng tạo.
Dạy thêm cần hướng đến việc giúp học sinh trở thành những công dân có ích cho xã hội, có khả năng tự học và tự giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, thay vì chỉ chạy theo điểm cao trong các kỳ thi. Khi đó, dạy thêm, học thêm mới mang lại giá trị thực chất.
Nếu hoạt động này được tổ chức hợp lý, khoa học, có sự quản lý chặt chẽ sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho học sinh. Tuy nhiên, nếu không có sự giám sát và điều chỉnh kịp thời, dạy thêm, học thêm dễ dàng bị biến tướng, gây ra những tác động tiêu cực đối với sự phát triển của các em.
Hơn thế, cần giảm tải chương trình học, tập trung vào việc phát triển năng lực tư duy, sáng tạo cho học sinh. Nâng cao chất lượng giảng dạy từ việc đào tạo giáo viên, trang bị cho thầy cô những phương pháp hiện đại, tạo môi trường học tập tích cực. Nhà trường cũng cần tạo ra một môi trường học tập thân thiện, khuyến khích các em tự học, tự nghiên cứu.
Bên cạnh đó, cần có sự quản lý và giám sát của các cơ quan chức năng. Các lớp học thêm cần phải được đăng ký và kiểm tra định kỳ về chất lượng giảng dạy cũng như mức độ phù hợp với chương trình giáo dục. Điều này không chỉ giúp hạn chế tình trạng dạy thêm tràn lan, không có sự giám sát, mà còn tạo ra môi trường học tập trong sạch, lành mạnh cho học sinh.
Các cơ sở dạy thêm phải có đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, giáo viên đủ trình độ, các chương trình giảng dạy phải đảm bảo sự phong phú, đa dạng, chứ không tập trung vào việc học thuộc lòng, từ đó học sinh cũng không bị biến thành “ngựa đua”, “gà chiến”.