Đào tạo gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN) đã được nhiều nhà trường triển khai có hiệu quả, đem lại không chỉ cơ hội thực tập, thực hành cho sinh viên mà còn là những kiến thức chuyên môn, kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội Trần Việt Hùng thông tin, để đảm bảo mục tiêu thực học, thực nghiệp, nhà trường đẩy mạnh liên kết hợp tác chặt chẽ với DN trong đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình, tiếp nhận học sinh thực tập và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Với chu trình đào tạo khép kín như vậy, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp có việc làm với thu nhập ổn định từ 7 – 12 triệu đồng/tháng, có những ngành/nghề học sinh có thu nhập cao từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, có những em học sinh sau tốt nghiệp đi xuất khẩu lao động thu nhập lên tới 70 triệu đồng/tháng.
Với mục tiêu đào tạo gắn với DN, với sản xuất và kinh doanh, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã phối hợp cùng DN đào tạo kiến thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp cho sinh viên tại trường, sau đó các em được trực tiếp học tập, thực tập thực tế với vai trò là kỹ thuật viên tại các DN sản xuất thông minh như VinFast, FUNA-AI Việt Nam… Qua đó, chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo của nhà trường được nâng lên; sinh viên sau tốt nghiệp đã có chứng nhận của các DN uy tín và nhận được các chế độ ưu tiên khi tham gia vào thị trường lao động.
Ngoài ra, nhà trường còn tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, tranh thủ vận động sự tài trợ của các tổ chức quốc tế về hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực Hà Nội với số tiền quy đổi phục vụ cho đào tạo lên tới 50 tỷ đồng. Kết quả trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp; ở một số nghề và một số trường, có tới gần 100% người học có việc làm khi mới ra trường.
Đây là những kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh thống kê trong quý III/2024, cả nước có1,05 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) chỉ ra nguyên nhân là vì người trẻ mới ra trường, thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế. Nhiều nghề yêu cầu các kỹ năng đặc biệt mà lao động trẻ có thể chưa có như kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng lãnh đạo hoặc kỹ năng quản lý. Một lý do nữa khiến lao động trẻ gặp khó khăn khi đi tìm việc là các DN yêu cầu cao về bằng cấp và chứng chỉ. Việc này có thể là một rào cản cho lao động trẻ mới ra trường hoặc không có điều kiện học hành.
Ông Chu Văn Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp (Trường Đại học Điện lực) nhìn nhận sản phẩm đầu ra của trường là sản phẩm đầu vào cho DN. Việc hợp tác giữa nhà trường và DN là một xu thế tất yếu. Hiện nay, Trường Đại học Điện lực đang hợp tác với hơn 200 DN trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Kinh nghiệm từ nhà trường đó là kết nối với hệ thống mạng lưới cựu sinh viên. Sau khi tốt nghiệp ra trường, các cựu sinh viên thành công đã tích lũy được cho mình vốn kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng thực tiễn, sẽ có thể quay trở lại hỗ trợ nhà trường. Từ đó, việc triển khai hợp tác giữa nhà trường và DN sẽ trở nên bài bản, đồng bộ và chuyên nghiệp hơn. Đó là cơ hội để chúng ta tạo ra một môi trường hệ sinh thái lành mạnh, tích cực, tối ưu hiệu quả vượt trội.
Bên cạnh đó, do mạng lưới kết nối DN của nhà trường rất rộng lớn nên cần chú trọng phát huy được hiệu quả tối ưu thông qua các chương trình, hoạt động để duy trì, tạo dựng hệ sinh thái để các DN tham gia hợp tác không cảm thấy nhàm chán.
Nhà trường cần tăng cường tổ chức những chương trình hướng nghiệp, ngày hội việc làm, buổi tham quan thực tế, hướng dẫn thực tập cho sinh viên tại các doanh nghiệp nhằm tăng cường kỹ năng “thực chiến”, khả năng cọ xát của người học trong môi trường làm việc thực tiễn.
Nguồn: https://daidoanket.vn/de-dau-ra-cua-nha-truong-dap-ung-dau-vao-cua-doanh-nghiep-10295954.html