Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường từ ngày 12 đến 14-10, 10 văn kiện hợp tác giữa hai nước đã được trao đổi, trong đó có Bản ghi nhớ giữa Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) với Công ty UnionPay International về việc triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Mua sắm, du lịch dễ dàng hơn
Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của giới kinh doanh và người dân, trong bối cảnh hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu, du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ.
Thanh toán QR xuyên biên giới đang là giải pháp tiện lợi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế. Với công nghệ QR, người dùng có thể dễ dàng quét mã để thực hiện thanh toán mà không cần sử dụng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng. Sản phẩm này giúp tăng cường tính tiện lợi, an toàn và tốc độ cho các giao dịch mua bán, du lịch và dịch vụ khác nhau trên phạm vi quốc tế.
Theo các ngân hàng (NH), Trung Quốc có lượng khách tiềm năng lớn, vì vậy việc triển khai thanh toán song phương qua mã QR với thị trường hơn 1,4 tỉ dân này sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường và thu hút khách hàng quốc tế thông qua việc chấp nhận thanh toán QR.
Theo NH Nhà nước, tính đến nay, Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia (đang triển khai tiếp với Lào), cho phép người dân mỗi nước quét mã QR để trả tiền hàng hóa, dịch vụ an toàn, tiện lợi tại các nước này ngay trên ứng dụng di động ngân hàng Việt Nam và ngược lại. Hiện tại, nhiều NH như Sacombank, Nam A Bank… đã triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR cho khách hàng cá nhân như Thái Lan, Campuchia.
Mới nhất, NH Shinhan Việt Nam cũng đã triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR tại hai thị trường này. Với dịch vụ thanh toán mã QR này, khách hàng đi du lịch hoặc công tác có thể quét mã QR từ ứng dụng NH số Shinhan SOL Việt Nam để thực hiện các giao dịch thanh toán tại hàng triệu điểm bán ở Thái Lan và Campuchia.
Ông Đỗ Quang Huy, Giám đốc Công ty CP Ecotop – chuyên cung cấp các giải pháp thương mại điện tử, nói rằng việc triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam – Trung Quốc sẽ thúc đẩy giao thương 2 bên rất nhiều.
“Theo tôi được biết, hiện khâu thanh toán giữa 2 bên thường phải qua bên thứ 3 nên gặp một số rủi ro như chênh lệch tỉ giá, thời gian kéo dài. Như bản thân tôi cần mua 1 số phần mềm từ Trung Quốc nhưng gặp bất tiện về thanh toán như phải mất phí khi thanh toán qua Visa. Nếu có cổng thanh toán riêng, người tiêu dùng sẽ dễ tiếp cận hàng hóa Trung Quốc với giá rẻ hơn” – ông Huy nhận định.
Thách thức không nhỏ
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), nói rằng Việt Nam và Trung Quốc có hoạt động giao thương mạnh mẽ nhưng khâu thanh toán chưa thuận tiện. Ông dẫn trường hợp của Vinafruit vừa tham gia lễ hội trái cây Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và phải thuê nhà thầu địa phương để thi công gian hàng.
Đến khi thanh toán, Vinafruit phải ra NH trình rất nhiều giấy tờ chứng minh mục đích để được mua ngoại tệ nhưng NH không có nhân dân tệ, phải quy đổi ra USD. “Chúng tôi chuyển USD cho đối tác, họ cũng không rút được USD mà phải mất nhiều thời gian cung cấp nhiều giấy tờ để rút được nhân dân tệ” – ông Nguyên dẫn chứng.
Do đó, việc triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam – Trung Quốc chắc chắn giúp việc thanh toán giữa 2 bên nhanh chóng và an toàn hơn. Ngoài ra, về quản lý nhà nước cũng sẽ kiểm soát tốt hơn dòng tiền thay vì cách thanh toán đa dạng như hiện nay.
“Trước giờ, các bên thanh toán khá linh hoạt, có thể hàng đổi hàng hoặc lấy tiền trước thông qua đầu mối tại Việt Nam còn việc thanh toán bài bản qua ngân hàng chủ yếu là xuất khẩu qua đường tàu biển” – ông Nguyên chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, lâu nay vướng mắc lớn trong giao dịch giữa các sàn thương mại điện tử Trung Quốc và Việt Nam, cũng như giữa người dân Việt Nam và Trung Quốc hầu hết là giao dịch không được thừa nhận.
Do đó, việc ký kết hợp tác triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR sẽ thúc đẩy hơn nữa việc giao thương, làm ăn giữa người dân và doanh nghiệp 2 quốc gia. “Giải quyết được khâu thanh toán sẽ khơi thông dòng chảy hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc ở một mức cao hơn nữa. Bức tranh kinh tế sẽ sôi động” – ông Viên nhận định.
Tuy nhiên, cũng theo doanh nhân này, ngoài biên bản ghi nhớ về triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR, Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc ký kết nhiều biên bản ghi nhớ khác về hợp tác song phương, trong đó đáng chú ý là văn kiện về kết nối đường sắt, nghiên cứu mô hình xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, kế hoạch hành động giữa hải quan Việt Nam và Trung Quốc… Những thỏa thuận này chắc chắn tạo ra nhiều thay đổi lớn, tích cực nhưng cũng mang lại nhiều rủi ro khó lường.
“Cụ thể, về mặt thuận lợi là nông sản của Việt Nam sẽ được bán sang Trung Quốc đa phương thức hơn với sự hỗ trợ của hoạt động vận chuyển, logistics, thanh toán… Từ nhà vườn Việt Nam có thể bán thẳng qua Trung Quốc hoặc bán lên sàn thương mại điện tử Trung Quốc nếu làm đúng thủ tục hải quan 2 phía.
Còn đối với hàng tiêu dùng, thậm chí là hàng nông sản ôn đới từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ nhanh và dễ dàng hơn. Khi đó, hàng tiêu dùng Trung Quốc sẽ bao phủ nhiều hơn tại thị trường Việt Nam, tác động trực tiếp đến các ngành sản xuất, kinh doanh trong nước” – ông Viên phân tích.
Thanh toán qua mã QR ngày càng phổ biến
Số liệu thống kê mới từ NH Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2024, giao dịch qua mã QR đã tăng 104,23% về số lượng và 99,57% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, thị trường thanh toán điện tử ở Đông Nam Á đang tăng trưởng mạnh mẽ với tỉ lệ sử dụng thanh toán qua điện thoại ngày càng cao. Vì thế, dịch vụ thanh toán mã QR xuyên biên giới được dự đoán sẽ ngày càng được ưa chuộng và trở thành một trong những giải pháp thanh toán phổ biến trong thời gian tới.
Nguồn: https://nld.com.vn/de-dang-thanh-toan-xuyen-bien-gioi-qua-qr-196241015204429145.htm